Theo ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Hồ Chí Minh, một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm hiện không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu trong đấu tranh phòng chống trong tình tình mới. Chưa có biện pháp chế tài xử lý các đối tượng hoạt động mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm chuyển giới và các đối tượng thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục.
Trong khi đó, những hành vi này diễn ra rất phổ biến trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Đặc biệt, Trung ương đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2005 quy định và hướng dẫn hoạt động, phân loại, đánh giá công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy” và Nghị quyết 01/2008 (cũng liên quan đến lĩnh vực này) nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn mới nên các địa phương đang lúng túng chưa biết tiếp tục thực hiện công tác này ra sao.
Bên cạnh những khó khăn đó, qua tìm hiểu của chúng tôi, nhận thấy rằng, công tác phòng chống mại dâm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn có khá nhiều vướng mắc khác xuất phát từ công tác quản lý nhà nước còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, thậm chí còn vô hiệu hoá lẫn nhau kiểu ngành này đình chỉ, thu hồi giấy phép thì ngành khác lại cấp mới.
Nếu như cơ sở kinh doanh là nơi ngã giá, môi giới thì các cơ sở lưu trú là “điểm đến” phổ biến và lý tưởng nhất của hành vi mua bán dâm. Hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ mọc đầy trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), Ngã Tư Ga (quận 12), Sư Vạn Hạnh nối dài (quận 10), khu Trung Sơn (Bình Chánh)… hầu hết chỉ phục vụ làm “bãi đáp” cho GMD. Các cơ sở này còn trương bảng to đùng “cho thuê giờ” với giá “bèo” để thu hút khách.
Trong khi đó theo quy định của pháp luật, kinh doanh cơ sở lưu trú là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều điện về ANTT thì mới được hoạt động.
Vì vậy mà khi có vụ việc về ANTT xảy ra trong cơ sở lưu trú, nếu như chủ cơ sở thực hiện không đúng quy định về khai báo tạm trú, ghi sổ, tạm giữ giấy tờ tùy thân của khách thì cơ quan Công an có thể rút giấy chứng nhận đảm bảo ANTT của cở sở đó.
Ngược lại, nếu thực hiện đúng quy định nhưng có dấu hiệu chứa chấp hoặc làm ngơ để xảy ra tội phạm, tệ nạn thì tùy mức độ mà xử lý.
Tuy nhiên trên thực tế, những cơ sở sai phạm bị xử lý và ý thức tự giác chấp hành quy định của cơ sở lưu trú là chưa cao, tạo điều kiện cho các đối tượng tội phạm, tệ nạn nói chung và hoạt động mại dâm nói riêng vô tư hoạt động. Vì vậy mà để kéo giảm tệ mại dâm thì công tác kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý ở lĩnh vực này cần phải được tăng cường hơn nữa.
Đối với công tác phòng chống ma túy, ông Trần Ngọc Du cho biết, việc triển khai thực hiện đề án đổi mới công tác cai nghiện gặp khó khăn do các Bộ, ngành liên quan chưa ban hành kịp thời, đầy đủ các tài liệu, chương trình và phương pháp điều trị nghiện, các biện pháp dự phòng và điều trị nghiện ma túy.
Công tác cai nghiện tại cộng đồng chưa có hiệu quả, bởi đội ngũ làm công tác này phần lớn là kiêm nhiệm chưa đáp ứng chuyên môn, kỹ năng, kiến thức về điều trị nghiện, tư vấn, dự phòng nghiện.
Mặt khác, người kiêm nhiệm cũng thường xuyên thay đổi nên công tác giám sát, giúp đỡ người cai nghiện tuân thủ việc điều trị chưa đạt hiệu quả cao. Đó là chưa kể tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế; thiếu y bác sĩ phụ tránh, môi trường tại cộng đồng phức tạp… nên khó có thể thực hiện cai nghiện thành công tại cộng đồng.
Trong khi đó, để đưa một người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng “hết sức trần ai” vì trước khi tòa án mở phiên họp người nghiện bỏ đi khỏi địa phương thì có quyết định cũng phải đành để đó. Người sau cai thì khó có thể xin việc làm vì đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng bởi trình độ học vấn thấp, không có chuyên môn, không đủ sức khỏe…
Đặc biệt, hoạt động của các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện tại cộng đồng do chưa có hướng dẫn thống nhất từ Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội nên mỗi nơi làm mỗi kiểu, kinh phí thì hạn hẹp dẫn đến không đạt kết quả như mong muốn.
Sâu xa hơn, theo tìm hiểu của PV Báo CAND, giai đoạn từ năm 2001-2007, khi Quốc hội có Nghị quyết 16 cho phép TP Hồ Chí Minh đưa người nghiện đi cai tập trung, không phân biệt là có nơi cư trú hay không có nơi cư trú ổn định, thành phố đã đưa được hơn 30.000 người nghiện đi cai nghiện, nhờ đó ANTT được ổn định, cướp giật giảm đáng kể. Tuy nhiên, sang năm 2008, khi quy định đó không còn được tiếp tục thì tình hình ANTT phức tạp trở lại.
Đến cuối năm 2014 Quốc hội mới có Nghị quyết 77 cho phép thành phố triển khai đề án đưa người nghiện không có nơi ở ổn định đi cai nghiện. Đây là sự tháo gỡ cần thiết nhưng cũng chỉ được một phần vì con nghiện có nơi cư trú ổn định cũng chiếm số lượng khá nhiều và đang nhởn nhơ gây nhiều nguy hiểm cho xã hội.
Trong khi cơ quan chức năng đau đầu giải quyết vấn đề con nghiện thì phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng đa dạng, tinh vi, khép kín. Nhiều loại ma túy mới xuất hiện tiềm ẩn nguy cơ và phức tạp, trong đó cỏ Mỹ, “bóng cười” ngày được con nghiện ưa chuộng.
Đặc biệt, nhiều con nghiện ở các tỉnh trốn trường, trốn trại trôi dạt về thành phố Hồ Chí Minh để ẩn nấp và hoạt động phạm pháp để kiếm tiền thỏa cơn nghiện làm gia tăng các vụ án xâm phạm tài sản của người dân trong thời gian gần đây.
Tính đến hết tháng 9-2018, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 8.864 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nan mại dâm, khiêu dâm, kích dục.
Trong đó 4.525 cơ sở lưu trú; 1.637 nhà hàng có tiếp viên; 544 cơ sở karaoke, ghi âm trên nền nhạc, hát với nhau; 43 quán bar, vũ trường, công ty giải trí có biến tướng bar; 68 cơ sở Beer-Club; 792 quán cà phê đèn mờ, cà phê DJ, cà phê giải khác có tiếp viên nữ; 480 cơ sở massage, spa, day ấn huyệt, xông hơi, xoa bóp; 700 cơ sở hớt tóc thanh nữ và 84 cơ sở khác với 31.690 nhân viên, tiếp viên.
Trong 9 tháng đầu của năm 2018, Đoàn, Đội, Tổ kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội các cấp tổ chức kiểm tra 5.466 lượt cơ sở; phát hiện 2.816 cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, thông tin, chống tệ nạn xã hội (trong đó có 90 cơ sở vi phạm liên quan đến mại dâm, khiêu dâm, kích dục) bị phạt hành chính hơn 19 tỷ đồng.
Tổng số người nghiện ma túy không nơi cơ trú ổn định có biểu hiện nghi vấn sử dụng ma túy và được xét nghiệm tìm chất ma túy là 9.151 người. Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn đã ban hành 6.232 quyết định đưa vào cơ sở xã hội; Tòa án nhân dân cấp huyện đã họp xét, quyết định 4.654 trường hợp.
Tổng số người nghiện ma túy hiện đang quản lý tại 17 cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện tự nguyện là 11.831 người. Tổng số người nghiện ma túy có nơi cư trú trên địa bàn TP Hồ Chí Minh dang cai nghiện ma túy tại gia đình, công đồng là 453 người; đang tham gia điều trị Methadone là 5.707 người…
Theo Mã Hải (CAND Online)