Theo Sở GTVT, từ đầu năm 2019 đến nay, sau khi sở này siết chặt công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX hay còn gọi bằng lái) thì nạn sử dụng bằng lái xe giả đang bùng phát trở lại.
Giả 50% và 100%
“Anh cứ chịu khó thi lấy bằng A1 thật đi, tốn chừng 400.000 à! Đem về đây em “bồng” cho anh thêm cái B2, chỉ tốn thêm chừng 4,5 đến 5 triệu đồng. Chứ giờ anh thi lấy cái B2 coi bộ khó à! Mà tốn đến 10-12 triệu đồng lận!” - cò C. ở gần trường lái xe trên đường Thành Thái nói với phóng viên.
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được cách làm bằng A1 “bồng” bằng B2 của cò C. khá đơn giản. Người có bằng A1 thật đưa cho cò, sau đó cò sẽ gỡ lớp keo phủ bằng ra, cạo sửa in thêm chữ B2 vào mặt trước; còn mặt sau cũng in đủ loại xe được lái, ngày trúng tuyển... Đây được coi là loại bằng “em bế anh” hay là giả 50%. Nên khi soi thì là bằng làm phôi PET, thông số cho hạng A1 là thật nhưng phần chữ B2 và các thông số liên quan là giả, in thêm…
Cách làm giả khác là người cần làm bằng đưa ảnh, phôtô chứng minh nhân dân cho cò. Từ ảnh, dữ liệu trên, giới làm giả sẽ in bằng số hóa vào phôi PET giả. Đây là loại bằng giả 100% vì từ số sêri, ngày cấp, hạng bằng, thời hạn có giá trị, ngày thi trúng tuyển (in ở mặt sau) không có trong hệ thống dữ liệu mạng của Tổng cục Đường bộ.
Theo ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Sát hạch GPLX Sở GTVT TP.HCM, hiện nay tỉ lệ thi đậu để được cấp GPLX ô tô tại TP.HCM là khoảng 60%. Có nhiều người sợ rớt nên tìm cách mua, dùng bằng lái giả.
Một người có mười bằng… giả
Một cán bộ Đội CSGT Bến Thành kể lại: Có trường hợp cán bộ, chiến sĩ kiểm soát trên đường phát hiện một người trong thời gian ngắn liên tiếp dính các lỗi mà buộc phải tạm giữ bằng lái. Đối chiếu, so sánh các bằng lái bằng vật liệu nhựa PET đang còn tạm giữ, chờ xử lý của người này thì thấy giống y chang nhau từ hình ảnh tới số sêri, ngày tháng năm sinh, hạng bằng lái, ngày cấp, nơi cấp… Tra cứu trên mạng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì đúng người này có số bằng lái, ngày tháng năm sinh, số hồ sơ lưu, ngày thi sát hạch… Đến khi soi chiếu dưới đèn chuyên dụng thì lộ ra đây là những bằng giả được in, “nhân bản” từ chính bằng thật của người vi phạm.
Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, hiện loại vật liệu làm phôi của thẻ PET đã phổ biến trên nhiều lĩnh vực (làm thẻ gửi xe, ra vào cổng cơ quan…). Từ phôi thẻ PET, bằng công nghệ in số hóa, hình ảnh, dữ liệu của người lái trên bằng chính sẽ được phôtô sang bằng PET. Nhìn lướt qua, trên bằng lái xe ô tô giả cũng có đủ các hoa văn như bông sen, hình quốc huy chìm, con dấu chìm đóng giáp nhau ở góc ảnh và phần nền thẻ nhựa PET. “Với cách giả như thật này thì một người có thể có tới mười bằng lái giả được nhân bản từ một bằng lái thật!” - ông Việt cho biết.
450 bằng lái xe giả được phát hiện từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 9. Trong số đó gồm bằng lái giả được Sở GTVT các tỉnh xác minh, báo lại cho Sở GTVT TP.HCM; CSGT TP.HCM xử lý, phát hiện và trực tiếp Sở GTVT phát hiện từ công tác cấp, đổi bằng lái…
Chế tài còn quá nhẹ!
Theo Trung tá Trần Minh Quang, Đội trưởng Đội CSGT Bến Thành, với cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát trên đường rất khó phát hiện ngay bằng lái của người vi phạm là giả. Vì lẽ CSGT đi tuần tra không được trang bị đèn soi chiếu chuyên dùng, chỉ đến khi bằng lái được chuyển về bộ phận xử lý (ở đội hoặc ở phòng) thì mới phát hiện ra bằng giả.
Theo ông Phạm Lê Lâm, Đội tham mưu Thanh tra Sở GTVT, hiện hành vi sử dụng bằng lái giả được quy định trong Nghị định 46/2016 với mức phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng/bằng lái A1; 4-6 triệu đồng/bằng lái B2. “Mức phạt trên là rất thấp so với giá trị xe.
Ông Lê Hồng Việt cho biết việc xử lý hành chính người sử dụng bằng lái giả hiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ khi nào người sử dụng bằng lái giả gây tai nạn giao thông, phải xử lý hình sự thì hành vi này là tình tiết tăng nặng khi xử án.
Các cách nhận biết bằng lái xe giả
- Cách nhận biết GPLX bằng vật liệu PET: Tem dán hình tròn trên góc phía dưới bên phải của ảnh được scan trên GPLX khi ta nhìn nghiêng sẽ thấy chữ “Đường bộ Việt Nam” lấp lánh trên tem, nếu là GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp thì không thấy.
- Sử dụng điện thoại di động có kết nối 3G, 4G - Wi-Fi, smartphone hoặc máy tính cá nhân có kết nối Wi-Fi, tiến hành tra cứu trên Google theo các bước sau: Gõ “Tra cứu GPLX”, sau đó vào mục “Trang thông tin giấy phép lái xe”. Tiếp theo nhìn vào góc trên bên phải của màn hình có ô trống để nhập số GPLX, số sêri, loại GPLX rồi nhấp chuột vào “Tra cứu” sẽ cho ngay kết quả dữ liệu quản lý thông tin đầy đủ của chủ nhân. Nếu dữ liệu kết quả tra cứu trùng với thông tin trên GPLX cần xác minh thì đó là GPLX do cơ quan có thẩm quyền cấp, ngược lại nếu kết quả tra cứu không ra kết quả hoặc không trùng với dữ liệu trên GPLX cần xác minh thì đó là GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp (GPLX giả).
- Ngoài ra, cách thường là nhìn vào bằng lái xe ô tô giả có màu và hoa văn giống như thật nhưng sẫm hơn bằng lái xe ô tô thật; các vị trí chống giả trên giấy phép không phản quang như bằng lái xe ô tô thật; một số nội dung in không theo quy tắc quy định như tháng sinh phải hai chữ số; giữa tháng và năm giá trị của bằng lái xe ô tô phải có dấu phân cách.
Theo Lưu Đức - Hoàng Tuyền (Pháp Luật TP.HCM)