Mường Thanh Khánh Hòa chịu 'xuống nước'

18/07/2018 07:42:26

Việc tháo dỡ 3 tầng xây vượt quy hoạch tại dự án Mường Thanh Khánh Hòa dự kiến sẽ thực hiện trong 2 tháng

Đại diện DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, chủ đầu tư dự án Tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa (số 1 Trần Phú, phường Xương Huân, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; gọi tắt Mường Thanh Khánh Hòa), cho biết sau gần 3 năm đợi chờ, "đồng hành" cùng tỉnh Khánh Hòa, cuối cùng doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện để tháo dỡ tầng từ 41-43 và đưa dự án này vào hoạt động.

Chủ động xin cấp điện nước

Theo văn bản mà ông Phan Huy Thông, Giám đốc chi nhánh DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên khách sạn Mường Thanh Khánh Hòa, gửi UBND tỉnh Khánh Hòa và Sở Xây dựng thì chủ đầu tư cần đấu nối lại điện, nước tại dự án Mường Thanh Khánh Hòa để tiến hành tháo dỡ.

Đề nghị này căn cứ vào kết luận của UBND tỉnh Khánh Hòa về điều chỉnh chiều cao một số công trình theo đồ án quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 (tháng 1-2016), công văn của Sở Xây dựng về điều chỉnh tầng cao tối đa của dự án (tháng 1-2016) và công văn yêu cầu xây dựng phương án tháo dỡ các tầng từ 41-43 (tháng 1-2018).

Như vậy, sau 2 năm 6 tháng, chủ đầu tư dự án Mường Thanh Khánh Hòa đã "xuống thang" xử lý các tầng vượt đồ án quy hoạch được Chính phủ phê duyệt (tối đa 40 tầng).

Sai phạm của dự án Mường Thanh Khánh Hòa bắt đầu từ năm 2014. Thời điểm này, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng với 47 tầng và 1 tầng mái. Báo Người Lao Động đã có bài phản ánh dự án xây dựng vượt quy hoạch. Khi đó, công trình chỉ mới xây dựng đến tầng 6-7.

UBND tỉnh Khánh Hòa sau đó có văn bản xin điều chỉnh chiều cao công trình nhưng không được Chính phủ chấp thuận. Tháng 1-2016, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh chiều cao xuống tầng 40. Thời điểm này công trình xây đến tầng 33. Sau đó, chủ đầu tư có văn bản cam kết thực hiện công trình dưới 39 tầng nhưng lại xây đến 43 tầng. Sau khi đình chỉ công trình và cắt điện nước, đến tháng 11-2016, Sở Xây dựng khi đó mới ban hành phụ lục điều chỉnh giấy phép xây dựng, đưa công trình về đúng 40 tầng.

Trước đề nghị cấp điện, nước để chủ đầu tư tự tháo dỡ 3 tầng trên cùng, lãnh đạo Sở Xây dựng tỏ ra rất dè dặt. "Đề nghị của chủ đầu tư đang được chúng tôi xem xét, không rõ chủ đầu tư xin tháo dỡ hay làm gì khác. Sở sẽ có văn bản yêu cầu chủ đầu tư cung cấp phương án tháo dỡ để thẩm định và xin ý kiến UBND tỉnh Khánh Hòa. Nếu đúng theo tinh thần cầu thị của nhà đầu tư, tự giác tháo dỡ thì khỏe cho tỉnh, việc xử lý sẽ dứt điểm" - lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết.

Mường Thanh Khánh Hòa chịu 'xuống nước'
UBND tỉnh Khánh Hòa chấp nhận các hậu quả pháp lý để xử lý 3 tầng xây vượt của Mường Thanh Khánh Hòa

"Chịu không được nữa rồi"

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên khẳng định Mường Thanh Khánh Hòa không xây vượt so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Điều này đã được Thanh tra Bộ Xây dựng thẩm định.

"Doanh nghiệp đã bán căn hộ cho người dân, trong hợp đồng căn cứ theo giấy phép xây dựng đã được tỉnh Khánh Hòa cấp. Công trình được Bộ Xây dựng thẩm định, Cục PCCC thẩm định. Doanh nghiệp có xây trái phép đâu? Chúng tôi loay hoay mãi nhưng chưa bao giờ được nghe tỉnh Khánh Hòa đối thoại với doanh nghiệp. Chúng tôi chỉ làm việc với Sở Xây dựng mà sở thì rất đơn giản chỉ cấp phép và thu hồi giấy phép" - vị đại diện nói.

Chủ đầu tư cho biết không muốn đối đầu nhưng hậu quả pháp lý để lại rất lớn. Hiện có gần 1.000 trường hợp đã mua căn hộ ở dự án, trong đó khoảng 300 khách hàng mua từ tầng 41 trở lên, trong đó gần 40 khách là người nước ngoài. Các khách hàng bị chậm bàn giao nhà gần 3 năm nay. Thiệt hại của doanh nghiệp lên đến hàng trăm tỉ đồng. "Các khách hàng mua căn hộ từ tầng 41 trở lên chủ đầu tư đã có kế hoạch chuyển qua Mường Thanh Viễn Triều. Khách hàng có nhu cầu chủ đầu tư sẽ trả lại tiền. Còn nếu việc thương thảo giữa doanh nghiệp với người dân bất thành thì phải ra tòa án xử lý" - đại diện chủ đầu tư nói.

Lý do mà Mường Thanh Khánh Hòa chịu "xuống nước", theo vị đại diện này: "Thực ra bây giờ doanh nghiệp không chịu được nữa rồi, doanh nghiệp thiệt hại lớn quá rồi. Tất cả nội thất hàng trăm tỉ đồng ở trong công trình hỏng hết. Cắt điện là sai luật nhưng tỉnh áp đặt như thế làm sao mà làm được".

Nói về kinh phí và trách nhiệm để tháo dỡ 3 tầng, chủ đầu tư cho rằng UBND tỉnh Khánh Hòa chưa bao giờ đối thoại với doanh nghiệp mà chủ yếu chỉ làm việc với Sở Xây dựng nhưng chỉ "ngồi cãi nhau", sở này lại phải xin ý kiến tỉnh. Phương án tháo dỡ cũng rất khó khăn và không đơn giản vì ở tầng cao và toàn bộ là bê-tông. Chủ đầu tư đang tìm đối tác có uy tín và kinh nghiệm để tháo dỡ.

"Nếu cố gắng trong vòng 2 tháng thì việc tháo dỡ mới xong và cũng mất 6-7 tháng để đưa công trình vào hoạt động" - người đại diện cho biết.

Doanh nghiệp đã cầu thị, đã đồng hành với tỉnh để điều chỉnh nhưng có làm được đâu. Bây giờ cứ chờ đợi, chờ đợi 3 năm nay rồi. Thiệt hại quá lớn cho người dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị tỉnh lật kèo" - đại diện chủ đầu tư nói.

Xử lý cả hậu quả pháp lý

Hôm nay (18-7), kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh Khánh Hòa sẽ khai mạc. Trong văn bản trả lời cử tri về việc xử lý dự án Mường Thanh Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã giao cho Thanh tra tỉnh phối hợp Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, kiểm tra rà soát lại hồ sơ pháp lý; căn cứ quy định pháp luật, tham mưu UBND tỉnh xử lý dự án nêu trên kể cả hậu quả pháp lý nếu có.

Theo Kỳ Nam (Nld.com.vn)