Mọi năm, ngay sau Giao thừa là tại nhiều chùa và những chốn linh thiêng như chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Hà, Phủ Tây Hồ, Thăng Long Tứ Trấn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám..., hàng ngàn người đã đến dâng hương cầu cho một năm may mắn, phát đạt…
Và thường là từ sáng mùng 1, lượng du khách đến lễ chùa tăng cao dẫn tới đường đi qua các cửa chùa bị ùn tắc cục bộ, muốn vào dâng hương, cúng bái phải chen lấn...
Nhưng năm nay thì khác, ở Bắc Bộ xuất hiện mưa, mưa đá và dông suốt từ Giao thừa và cả ngày mùng 1 Tết trên diện rộng khiến dân không dám ra đường.
Các chùa chiền, đền phủ ở Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc đìu hiu, vắng vẻ lạ thường suốt từ Giao thừa tới hết ngày mùng 1 Tết. Lác đác mới có những người trẻ đi lễ, vắng hẳn bóng những người già đi lễ.
Sang đến ngày mùng 2, khoảng 9 giờ sáng, trời còn buốt giá nên tại chùa Trấn Quốc, Đền Quan Thánh… vẫn vắng hoe. Nhiều hàng quán còn chưa dọn. Nhưng khi trời hửng nắng dần, tầm từ 12 giờ trưa, thì người dân nô nức đổ về và cảnh ùn tắc như mọi năm lại diễn ra.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết bất thường ở Bắc Bộ những ngày đầu năm mới gây rét đậm, rét hại không dài ngày, và hửng nắng từ mùng 2 tới mùng 5 Tết. Ban ngày nhiệt độ dưới 20 độ, nhưng đêm và sáng sớm trời rét sâu, chỉ 11-14 độ C.
Khu vực Tây Nguyên từ nay đến mùng 5 Tết đêm không mưa, ngày nắng, sáng sớm có sương mù nhẹ, đêm và sáng trời lạnh.
Nam Bộ từ nay tới mùng 5 Tết đêm không mưa, ngày nắng, miền Đông Nam Bộ nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 32-35 độ.
Qua đèo Hải Vân trở vào Đà Nẵng, Bình Thuận, Tây Nguyên gần như không chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, nắng xuân ngập tràn và bầu không khí thoáng mát trong những ngày Tết. Nhiệt độ cao nhất 24-31 độ C.
Theo Ngọc Hà (Giadinh.net.vn)