Nhiều nhà máy thủy điện dừng phát điện vì mực nước các hồ thủy điện về mức cảnh báo
Theo ghi nhận, thời tiết nắng nóng gay gắt thời gian gần đây đã khiến mực nước các hồ thủy điện về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết, ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện.
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) cho biết, 11 nhà máy thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước các hồ thủy điện không đảm bảo như: thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, thủy điện Huội Quảng, thủy điện Thác Bà, thủy điện Tuyên Quang, thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Hủa Na, thủy điện Trung Sơn, thủy điện Trị An, thủy điện Đại Ninh, thủy điện Pleikrong.
Trên PLVN, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà cho biết, mực nước hồ thủy điện Thác Bà đã dưới mực nước chết từ ngày 1/6. Cụ thể, trung bình lưu lượng nước về hồ chỉ có 8-10m3/s, bằng 1/10 so với cùng kỳ năm 2022 và so với nhiều năm trước. Nước hồ chỉ còn 45,6m trong khi mực nước chết là 46m.
Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà đã chủ động dừng hoạt động của 2 tổ máy (công suất mỗi tổ máy 40MW). Tổ máy số 3 tiếp tục phát điện ở mức tối thiểu (15MW). Do 2 tổ máy phải dừng phát điện, tổ máy số 3 hoạt động ở mức tối thiểu, vì vậy trong tháng 5, dự kiến sản lượng điện của nhà máy khoảng 20 triệu kWh nhưng thực tế chỉ cung cấp được 2 triệu kWh.
Cũng theo ông Cường, dự báo sắp tới cho thấy có những ngày nước về gần được 10m3/s nhưng lượng nước này chưa đủ để… bốc hơi. Sáng 8/6 lượng nước về còn được 8m3/s.
Việc không thể huy động được nguồn điện từ các nhà máy thuỷ điện đã ảnh hưởng tới việc quản lý, vận hành hệ thống điện và cung cấp điện cho sinh hoạt của người dân, cũng như sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Trần Việt Hoà (Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương) cho biết, duy nhất hồ thủy điện Hoà Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/6.
Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, tính đến ngày 6/6/2023, công suất khả dụng của thuỷ điện là 3.110 MW chỉ đạt 23,7% công suất lắp.
Theo dự báo tình hình nắng nóng khô hạn vẫn có thể tiếp diễn trong nhiều ngày tới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc sản xuất, huy động nguồn điện từ thủy điện.
Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cần sử dụng điện tiết kiệm; sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hiệu quả.
Thủy điện là gì?
Thủy điện hay còn gọi là năng lượng thủy điện hoặc thủy năng. Đây là dạng năng lượng khai thác sức mạnh dòng chảy của nước (năng lượng cơ học của dòng chảy) làm quay tuabin để chuyển đổi thành.
Thủy điện là công nghệ sản xuất điện năng được cho là công nghệ sạch và có thể tái tạo. Với ưu điểm giảm thiểu phát thải carbon, cung cấp dịch vụ quản lý năng lượng, nước và hỗ trợ các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi khác bằng cách cung cấp các dịch vụ lưu trữ, cân bằng tải. Tuy nhiên theo thời gian, thủy điện được người ta đã phát hiện ra tồn tại cũng khá nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến môi trường, đời sống sản xuất.
Vai trò của nhà máy thủy điện
Hiện nay, các nhà máy thủy điện đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và nhiều ứng dụng khác. Cụ thể như sau:
Đóng góp sản lượng điện năng chiếm khoảng 36,5% tổng sản lượng điện quốc gia, cao thứ 2 sau nhiệt điện.
Đóng vai trò chính trong công tác phòng chống lũ lụt tại các khu vực đồng bằng.
Cung cấp nguồn nước tưới tiêu phục vụ cho công tác sản xuất, chăn nuôi trong nông nghiệp, thủy hải sản.
Góp phần hạn chế tình trạng xâm nhập mặn trong bối cảnh biến đổi khí hậu nghiêm trọng.
Mang lại nguồn thu ngân sách có các tỉnh, thúc đẩy xây dựng các khu tái định cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng.
Giải quyết tình trạng công ăn việc làm cho nhiều người dân trong khu vực có nhà máy thủy điện.
Tạo điều kiện tốt cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp xúc với tri thức văn hóa mới.
Ưu, nhược điểm của năng lượng thủy điện
Ưu điểm năng lượng thủy điện:
Là dạng năng lượng hoàn toàn có thể tái sử dụng.
Không có khả năng bị đốt cháy nên giúp giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Có tuổi thọ, thời gian sử dụng lâu dài.
Có tính bền vững nên giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Giá thành nhiên liệu rẻ nên tiết kiệm đáng kể chi phí thuê nhân công.
Tính linh động cao, đáp ứng tốt nhu cầu thời gian cao điểm.
Chi phí vận hành thấp so với chi phí lắp đặt.
Đặc biệt hữu ích để kiểm soát dòng chảy của con sông để ngăn chặn lũ lụt nguy hiểm.
Là một trong những nguồn năng lượng hiệu quả nhất trên thế giới với hiệu quả chuyển đổi nước thành điện lên đến 90%.
Tạo điều kiện để phát triển các hoạt động giải trí ngoài trời, văn hóa giáo dục tại các nhà máy thủy điện.
Là nguồn dự phòng và bổ sung cần thiết cho các công nghệ phát điện tái tạo gián đoạn. Ví dụ năng lượng gió, năng lượng mặt trời quang điện…
Nhược điểm năng lượng thủy điện:
Chi phí đầu tư cao.
Dễ làm thay đổi chất lượng nước hồ chứa và suối.
Khả năng cao làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên.
Làm cạn kiệt dòng chảy ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của con người.
Gây ra hiện tượng ngăn dòng trầm tích chảy xuống hạ lưu khiến bờ sông suy yếu, sụt đáy.
Gây ra tình trạng ngập lụt đất, môi trường sống của các loại động vật, thay đổi môi trường sinh sống của thủy, hải sản.
Việt Nam có những nhà máy thủy điện nào lớn nhất?
Tính đến thời điểm hiện tại, nước ta đã có hơn chục nhà máy sản xuất điện, trải dài khắp từ Bắc – Nam. Dưới đây là 12 nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam:
Nhà máy thủy điện Sơn La.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Nhà máy thủy điện Thác Bà.
Nhà máy thủy điện Lai Châu.
Nhà máy thủy điện Trung Sơn.
Nhà máy thủy điện Yaly.
Nhà máy thủy điện Trị An.
Nhà máy thủy điện Huội Quảng.
Nhà máy thủy điện Thác Mơ.
Nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi.
Nhà máy thủy điện Na Hang.
Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ.
Thủy điện lớn nhất Việt Nam
Nhà máy thủy điện Sơn La là biểu tượng của thủy điện Việt Nam. Theo ước tính và thống kê đây là nhà máy thủy điện lớn nhất tại nước ta. Nhà máy được khởi công xây dựng vào 2/12/2005 tại xã Ít Ong (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), nằm ngay trên lưu vực sông Đà.
Công trình được xây dựng với các tiêu chuẩn tính toán vô cùng khắt khe, được giám sát bởi các chuyên gia có kinh nghiệm hàng đầu tới từ Nga, châu Âu, Trung Quốc.
Sau hơn 7 năm xây dựng, công trình thủy điện Sơn La được khánh thành vào ngày 23/12/2012. Ngoài việc trở thành công trình thủy điện vĩ đại nhất Việt Nam thì thủy điện Sơn La còn được đánh giá là đập thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Các thông số cụ thể của thủy điện Sơn La: Cao độ đỉnh đập: 228,1m, chiều rộng đỉnh 10m, chiều rộng đáy 105m, chiều dài đập 961,6m, dung tích trữ nước 9.26 tỷ m3. Tổng công suất lắp ráp đầu phát điện 2400MW, trung bình mỗi năm sản lượng điện sinh ra là 10 tỷ kW. Nếu nhà máy hoạt động thì sẽ cung cấp sản lượng điện tới 1/10 công suất của toàn bộ lượng điện tại Việt Nam.
Tại sao các nhà máy thủy điện chủ yếu được xây dựng ở miền núi?
Các nhà máy thủy điện chủ yếu được xây dựng ở miền núi vì đây là vùng có địa hình cao, bị cắt xẻ mạnh và có nhiều sông lớn. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để xây dựng các nhà máy thủy điện.
Cuộc sống sẽ ra sao nếu như không có điện?
Hiện nay, điện năng chính là một phần vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Nó là thứ không thể thiếu trong sản xuất, trong sinh hoạt hàng ngày của con người. Điện giúp cho chúng ta có thể làm tốt được nhiều việc từ chiếu sáng, giải trí, liên lạc, học tập, làm việc, vận hành máy móc.
Phần lớn hiện nay những vật dụng trong gia đình muốn hoạt động đều cần sự can thiệp của điện năng mới có thể hoạt động và vận hành được. Từ bóng đèn, tivi, tủ lạnh, nồi cơm, máy giặt… Tất cả được thiết kế ra đời nhằm giúp đỡ cho con người giảm bớt thời gian cũng như công sức, phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của chính con người.
Điện cũng có vai trò quan trọng trong sản xuất. Hiện nay rất khó để tìm một ngành nghề mà không có sự can thiệp của điện. Kể cả như ngành nông nghiệp tưởng như không cần đến sự tham gia của điện nhưng hiện nay điện và dần đóng vai trò quan trọng. Nhờ có điện để thắp sáng cho các chuồng nuôi gia súc gia cầm, đồng thời nhiều ngành trồng trọt và chăn nuôi nhờ có ánh sáng của bóng đèn điện mới sinh sôi và phát triển mạnh mẽ.
Trong công nghiệp, xây dựng và sản xuất thì điện còn đóng một vai trò quan trọng hơn thế nữa. Những loại máy móc, thiết bị luôn cần có điện để duy trì hoạt động. Khi nguồn điện bị mất hay cắt, chúng ta sẽ thấy rõ nhất hậu quả đó chính là mọi hoạt động đều bị trì trệ và đây là điều mà rất nhiều chủ doanh nghiệp lo lắng.
Theo L.Vũ (Giadinh.suckhoedoisong.vn)