Ngoài việc mua, tích trữ xăng dầu để sử dụng, một số người còn tranh thủ mua đi bán lại kiếm lời. Đây cũng là lý do khiền hàng loạt điểm bán xăng di động đã mọc lên ở các tuyến đường làm tăng nguy cơ xảy ra hoả hoạn.
Phân tích hiện tượng trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, pháp luật không cấm người dân mua xăng dầu bằng thùng, chai, can. Bởi, xăng dầu không chỉ phục vụ nhu cầu về nhiên liệu cho phương tiện giao thông mà còn được sử dụng cho nhiều loại máy móc khác như việc máy xay, máy phát điện, ghe, thuyền…
Do vậy, người dân có thể mua xăng đựng vào thùng, chai, can và các dụng cụ, thiết bị khác và không bị hạn chế số lượng và nếu họ mua về để tích trữ, sử dụng thì không phải hành vi đầu cơ.
Bên cạnh đó, Nghị định 99/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực dầu khí nêu rõ, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó”. Như vậy, chế tài trên chỉ áp dụng với cây xăng (thương nhân kinh doanh xăng dầu).
Sở dĩ có quy định trên bởi việc kinh doanh xăng dầu phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, thiết kế, xây dựng cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo yêu cầu theo quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành như yêu cầu về thiết kế cửa hàng xăng dầu; phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình...
Tuy nhiên, khi bán hàng qua can, thùng, trụ xăng mini thường không đảm bảo an toàn cháy nổ, không tuân theo những tiêu chuẩn đảm bảo quy định của pháp luật đối với kinh doanh xăng dầu - mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
Liên quan đến việc tích trữ xăng dầu của người dân tại nhà, theo Luật sư Hồng Vân, việc làm này tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao, đặc biệt là trong mùa hanh khô. Chưa nói đến việc, xăng dầu rất khó bảo quản vì dễ bay hơi, biến chất sau một thời gian nhất định.
Theo quy định hiện hành, cá nhân tích trữ xăng dầu để xảy ra cháy nổ, gây thiệt hại về người, tài sản có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hành chính, Khoản 4 Điều 32 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 15-25 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ, trong khi nếu tổ chức vi phạm sẽ chịu mức phạt tiền gấp 2 lần.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân thực hiện hành vi có thể bị xử lý về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 BLHS 2015, sửa đổi. Tùy theo mức độ thiệt hại về người và tài sản, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 2-12 năm.
Về việc một số của hàng từ chối bán xăng cho khách, Luật sư Hồng Vân cho rằng, những hành vi găm hàng, thổi giá, đầu cơ, tích trữ xăng dầu sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo H.L (An Ninh Thủ Đô)