Hành vi dùng tiền lẻ để mua vé thu phí cầu đường không vi phạm pháp luật, dù ai cũng biết đây là cách phản ứng của tài xế trước việc đặt trạm thu phí chưa hợp lý...
Nhiều tài xế đã bày tỏ thái độ bằng cách dùng tiền mệnh giá nhỏ để trả khi qua các trạm thu phí. Có ý kiến cho rằng cần phải xem xét, xử lý các tài xế về hành vi này.
Nhưng, hành vi này có vi phạm pháp luật hay không mà đòi xử?
Ảnh minh họa - Nguồn Internet |
Dùng tiền lẻ, tiền mệnh giá cao đều không phạm luật
Để xác định có vi phạm pháp luật hay không chúng ta phải xác định rõ từng hành vi.
Khi điều khiển xe lưu thông trên đường, gặp trạm thu phí thì tài xế phải nộp một khoản tiền cho nhân viên trạm thu phí để được cho phép lưu thông qua trạm thu phí. Đây được coi là một giao dịch dân sự (Điều 116 BLDS 2015) mà một trong hai bên (là cánh nhà xe/tài xế) phải thực hiện, dù có thể phải ấm ức.
Khi tài xế đã nộp tiền xong và nhân viên trạm thu phí đồng ý cho xe qua là các bên đã thực hiện xong giao dịch dân sự. Giao dịch dân sự này là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Khi tài xế dùng tiền lẻ thanh toán, nhân viên trạm thu phí phải kiểm lại tiền, nếu thấy đã nhận đủ thì mới đồng ý cho xe qua, từ đó dẫn đến mỗi xe qua trạm thu phí phải tốn nhiều thời gian hơn so với bình thường.
Tiền dù ở mệnh giá nào đều do Nhà nước phát hành, do đó được lưu hành hợp pháp, trạm thu phí không thể từ chối. Cũng không có bất kỳ quy định nào cấm dùng tiền lẻ trong giao dịch dân sự. Do đó, tài xế dùng tiền lẻ để thanh toán khi qua trạm thu phí là không vi phạm pháp luật.
Vì thế, nếu có ai đó cho rằng hành vi này trái pháp luật và đòi mời tài xế lên để làm việc, thậm chí đòi xử lý... là điều không ổn chút nào. Họ đã không sai luật thì xử lý cái nỗi gì!
Bảo gây rối trật tự công cộng càng không đúng
Có ý kiến cho rằng hành vi dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí còn vi phạm luật hình sự, cụ thể là phạm vào tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS 1999.
Như trên đã nói, hành vi này không vi phạm pháp luật hiện hành nào cả. Tại sao dùng tiền mệnh giá lớn (ví dụ 500.000 đồng) để trả cho 30.000 đồng phí lưu thông qua trạm thu phí thì được thối tiền nhanh, cho xe qua nhanh, còn dùng tiền mệnh giá nhỏ để trả thì cho xe qua trạm thu phí chậm? Nếu cho rằng lỗi này do tài xế gây ra dẫn đến việc kẹt xe là không thuyết phục.
Việc tốn nhiều thời gian là do nhân viên trạm thu phí phải kiểm đếm lại số tiền mà tài xế đã trả, chừng nào đếm đủ tiền thì nhân viên mới cho xe đi qua. Như vậy, bên thu phí phải bố trí người hay phương tiện thế nào để kiểm đếm nhanh chóng chứ không thể đổ lỗi do tài xế, dù công bằng mà nói, ai cũng biết tài xế làm vậy là có ý gây khó, là cách phản ứng...
Từ phân tích trên đây, có thể nói hành vi trả tiền lẻ dẫn đến ùn xe tại trạm thu phí của tài xế không thỏa mãn dấu hiệu của tội gây rối trật tư công cộng với tình tiết “gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng” theo điểm c khoản 2 Điều 245 BLHS. Bởi lẽ hành vi của tài xế không phải là nguyên nhân chính dẫn đến gây cản trở giao thông từ hai giờ trở lên hoặc làm ách tắc giao thông trên diện rộng.
Bỏ tiền vô chai nhựa thì còn tùy...
Tuy nhiên, nếu tài xế có hành vi vo tròn tiền lẻ nhét vào chai nhựa làm tiền bị hư hỏng, nhàu nát, bôi bẩn, rách giống nhau… thì tài xế có thể bị xem xét về hành vi “phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật”. Tùy mức độ vi phạm mà người có hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Theo khoản 3 Điều 31 Nghị định 96/2014 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng) thì hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật bị phạt từ 10-15 triệu đồng.
Để có thể xử lý được thì người phát hiện ra sự việc phải lập biên bản rồi báo cơ quan công an. Qua việc điều tra, xác minh thì kết luận của cơ quan công an là cơ sở để làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm của tài xế theo quy định.
Còng lưng đếm tiền xu thi hành án Tháng 4-2009, một vụ đếm tiền lẻ hi hữu khi thi hành án tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Tân Bình (TP.HCM). Phải mất hai ngày Chi cục này mới đếm xong hơn 16 triệu đồng toàn loại tiền xu mệnh giá 200 và 500 đồng. Người phải thi hành án còn kỳ công cho những đống tiền xu lộn xộn vào những bịch nylon nhỏ hay túi nhựa, hộp giấy. Trước tình huống khó xử này, cơ quan Thi hành án quận Tân Bình phải cắt cử một kế toán, một thủ quỹ và một bảo vệ cùng phía người phải thi hành án “áp tải” tiền đến nộp tại kho bạc nhà nước. Do số lượng tiền xu quá nhiều và lộn xộn nên hết giờ làm việc buổi chiều hôm đó, các nhân viên ngân hàng với sự hỗ trợ của máy móc cũng đếm chưa xong, phải dời sang ngày hôm sau. Chi cục Thi hành án dân sự quận Tân Bình cho biết do sơ xuất mà chi phí cho việc đếm tiền, nhân viên áp tải tiền, và việc điều xe chuyên dụng để chở tiền đã không được tính vào án phí. Nhưng trên hết, hành vi này cũng không sai luật. |
Theo Luật sư Nguyễn Sơn Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM (Pháp Luật TPHCM)