Thiệt hại nhiều tài sản của người dân
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, ngày 28/3, mưa dông kèm theo lốc, sét và mưa đá đã trút xuống nhiều nơi tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Cụ thể: Tại Hà Giang, sáng 28/3, nhiều nơi xuất hiện mưa to khiến đất, đá sạt lở; lốc xoáy đã làm sập, tốc mái ít nhất 190 căn nhà tại một số huyện như: Yên Minh, Quản Bạ, Quang Bình, Xín Mần và huyện Vị Xuyên. Trong đó, có 29 căn nhà bị tốc mái 100%. Tại xã Xuân Minh và Tiên Nguyên (huyện Quang Bình) xảy ra mưa đá.
Tại Trường THCS xã Du Già (huyện Yên Minh), khu nhà bếp nấu ăn cho học sinh bị hư hỏng nặng, tất cả mái và kèo sắt bị gió giật và thổi bay. Khu nhà dạy học 2 tầng bị lật và bay một số tấm tôn, một số cánh cửa bị gió thổi mạnh bật ra và bị vỡ. Điểm trường thôn Ngài Sảng A bị tốc mái nhà bếp.
Tại Yên Bái, mưa đá xuất hiện ở các huyện: Mù Cang Chải, Trấn Yên. Sau đó, khoảng 10h25 sáng 28/3 tại TP Yên Bái đã xảy ra hiện tượng “ngày biến thành đêm” khi một đám mây đen đặc kéo đến bao phủ bầu trời.
Mưa to kèm dông lốc cũng làm tốc mái nhiều nhà dân tại các xã: Suối Quyền, An Lương, Suối Giàng,... của huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái).
Tại Sơn La, chiều 28/3, đã xảy ra một trận mưa lớn, kèm theo đó là hiện tượng mưa đá tại các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ. Theo thống kê của huyện Mộc Châu, mưa đá đã gây thiệt hại khoảng 2.500ha mận đang ra quả của địa phương này.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cũng cho hay, mưa đá còn xuất hiện tại các huyện Tương Dương (Nghệ An), Hướng Hoá (Quảng Trị)…
Ngay sau thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương thống kê thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ khắc phục thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định đời sống.
Xuất hiện nhiều trong giai đoạn giao mùa
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, mưa đá, dông lốc là hiện tượng thời tiết bình thường và thường xảy ra từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm. Đây là giai đoạn có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa.
Khi không khí nóng và lạnh gặp nhau gây xáo trộn, bất ổn định cho thời tiết nên gây mưa, kèm theo lốc xoáy và mưa đá. Nơi thường xảy ra mưa đá nhất là ở vùng núi và khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn.
Sở dĩ ngày 28/3, xảy ra dông lốc và mưa đá ở nhiều nơi là do hôm đó có một đợt không khí lạnh tràn về, kết hợp với hội tụ gió trên cao ở mực 1500-5000m gây ra. Không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ gây ra một đợt mưa dông diện rộng.
Cơ quan khí tượng nhận định, thời gian tới thì không chỉ miền Bắc mà hầu khắp cả nước sẽ có sự chuyển pha về thời tiết. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ chuyển từ thời tiết giá lạnh sang ấm hơn, còn ở các tỉnh miền Nam là chuyển từ thời kỳ khô sang ẩm hơn.
Do đó, sắp tới, chúng ta sẽ thấy xác suất xuất hiện dông lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh sẽ nhiều hơn. Người dân cần trang bị cho mình những kiến thức phòng, tránh để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản.
Theo Bảng Anh (Nông thôn Việt)