Nhà đang dựng lại, cây rồi sẽ xanh, nhưng có những vết thương vẫn rỉ máu, khi không chỉ tài sản mà nhiều con người đã bị lũ cuốn đi.
Đàn ông đi dọc lòng suối, tìm các thanh kèo cột, đàn bà cõng những tấm fibro xi măng trên lưng, trẻ con đi gùi gạo, mì tôm cứu trợ về. Dọc đường đi, ai nấy lầm lũi, chẳng nói với nhau câu nào.
Trận lũ tràn qua, những mái nhà chụm vào nhau thành từng chùm lẻ, nép bên sườn đồi chỉ còn trơ mấy nóc xám xịt. Khe nước nhỏ chảy quanh bản biến thành dòng suối lớn. Phía trước các nóc nhà vẫn còn dấu vết lũ khi đất đỏ, cây cỏ sạt xuống từng mảng.
Mùa A Thênh tranh thủ đi nhặt từng ván gỗ còn sót lại sau trận lũ. Ảnh: Hoàng Phương. |
Trước ngày xuống trường nhập học, Mùa A Thênh tranh thủ đi nhặt những thanh gỗ còn sót lại để dựng nhà mới. Hai bố con đã chọn được nơi đào móng, ngay trên mảnh ruộng bậc thang của nhà, nằm gần thị trấn. Nhà cũ bị nước lũ giật trôi toàn bộ, nơi trú ngụ của năm con người trơ lại móng.
"Chỗ này trước có mấy cây hoa đào bố em trồng lâu rồi, mùa xuân hoa nở đẹp lắm", Thênh chỉ tay về phía lòng suối nước đang réo ầm ầm.
Các cơ quan, đoàn thể hỗ trợ gần 40 triệu, giúp nhà Thênh mua được sắt thép, xi măng. Riêng Thênh được một đoàn từ thiện trao 5 triệu để trang trải đầu năm học mới khi hay tin em định nghỉ học. Lúc trao quà, họ nhắn bà Giàng Thị Trù, mẹ Thênh ba lần "Đừng để con nghỉ học". Người mẹ vốn tiếng Kinh ít ỏi nên chỉ gật đầu.
Cách đây ít ngày, Thênh đã xuống Thái Nguyên trả phòng trọ. Cậu sinh viên khoa Luật, Đại học Thái Nguyên định nghỉ học, kiếm tiền giúp bố mẹ dựng lại nhà. Giờ được cộng đồng tiếp sức, Thênh sẽ đi học. Số tiền 5 triệu ấy, em định cầm đi một triệu, còn lại góp thêm để bố mẹ mua sắt thép xây nhà.
Chàng sinh viên duy nhất của bản Kháo Giống kể, dịp hè em không về nhà mà ở lại Thái Nguyên phụ hồ kiếm mỗi ngày 150.000 đồng chuẩn bị cho năm thứ ba. Thế rồi nhận được điện thoại của chú báo nhà cửa bị lũ cuốn sạch, Thênh vội nhảy xe về. Hơn chín tiếng về tới bản, Thênh mới bật khóc vì "không thấy nhà nữa, chỉ còn mỗi cái nền, đi học về biết ở đâu bây giờ".
Ba mẹ con Cứ Thị Dê trước nền nhà đang xây mới. Ảnh: Hoàng Phương. |
Cách nền cũ nhà Thênh vài trăm mét, nhà Giàng A Su đã đào xong móng, dựng khung nhà bằng sắt trên khoảnh đất cao hơn ngôi nhà cũ. A Su ra huyện mua vật liệu, còn ba mẹ con chị Cứ Thị Dê ngồi dỗ dành nhau trên cái phản nhỏ.
Một tuần nay, bốn người ban đêm ngủ dưới mái bạt che tạm, ban ngày cuốc đất, dựng nhà. "Sợ chứ, nhưng vẫn phải ở thôi vì nhà mình không có đất nữa", chị Dê trả lời khi được hỏi dựng nhà gần suối có sợ lũ lại về không.
Trường học vẫn trống hoác
Cây cầu bắc qua suối Nậm Kim, nối từ ngã ba chợ Mù Cang Chải dọc theo mấy ngôi trường bị nước lũ giật sập đang được xây lại. Trường THCS Võ Thị Sáu đã dọn xong bùn, gỗ, nhưng mấy vách phòng học ở tầng một bị dòng nước đục thủng giờ trống hoác. Còn hai tuần nữa là khai giảng năm học mới, lũ trẻ sẽ phải đi học tạm ở các trụ sở trong thị trấn.
Mấy ngày này, từng đoàn xe cứu trợ dưới xuôi mang mì tôm, gạo, đồ dùng sinh hoạt lên chia sẻ với người Mù Cang Chải. Thị trấn nằm bên bờ suối Nậm Kim đang gượng dậy. Người Mông mang rau, nhãn xuống đầu cầu Kim Nọi bán, nhưng ít tiếng chào mời. Chợ vẫn mở, cửa hàng lại tấp nập, thi thoảng thấy bóng áo bộ đội, người dân sẽ hỏi thăm tìm thêm được người nào chưa. Họ cũng kể chuyện về thanh niên Giàng A Già lo cứu người, bị cuốn trôi xe máy.
Hôm đoàn từ thiện vào, Già mới đi nhận bằng khen của tỉnh vì thành tích "cứu người bị nạn trong trận lũ quét" về. Sáng hôm đó, giữa tiếng hô hoán, la hét sơ tán khi lũ sắp tràn xuống, Già chỉ kịp dặn vợ ôm con chạy đi, còn mình thì phóng sang dãy trọ bên cạnh báo động cho mọi người. Trông thấy ba mẹ con nhà nọ còn luống cuống, anh vội ôm đứa lớn chạy trước, la hét những người còn lại chạy theo sau.
Giàng A Già kể lại lúc cứu người. Video: Trần Huấn. |
Đoàn người vừa chạy đi thì lũ ập về, quét sạch dãy nhà xuống suối. Cái xe máy dựng ở góc phòng là tài sản giá trị nhất, Già không kịp đưa đi chỗ khác, cũng bị cuốn trôi. Đứng ở đầu cầu Kim Nọi, anh mới nghĩ "mình quên vợ con rồi". Già gọi điện, biết hai mẹ con an toàn thì mới thở hắt ra.
Già dự định sang tuần tiếp tục đi phụ xe khách tuyến Mù Cang Chải - Yên Bái, kiếm tiền sắm lại đồ đạc đã bị cuốn trôi. Mấy hôm nay, ông chủ cho anh nghỉ để lo chỗ ở mới. Giờ ba người ở tạm trong trụ sở cũ của Viện kiểm sát cùng với mấy nhà khác.
Nhà cửa đang dựng lại, cây rồi sẽ mọc phủ xanh đồi, nhưng có những vết thương của người Mù Cang Chải vẫn rỉ máu, khi không chỉ tài sản bị cuốn theo lũ mà còn là người thân. Bên đường quốc lộ, người nhà dựng tạm mái lều để anh Lê Doãn Dũng đặt bát hương cúng vợ và hai con gái. Ròng rã gần một tuần, đội cứu hộ lần lượt tìm thấy thi thể của chị Hiền cùng hai bé Bống, Yến Nhi ở lòng hồ thủy điện Khao Mang.
"Nếu tìm cùng một lúc thì đưa về quê nội ở Thanh Hóa chôn cất, nhưng mẹ con nó tìm thấy cách nhau vài ngày. May mà chú vợ cho mượn chỗ này, không thì chẳng biết đặt bàn thờ mấy mẹ con ở đâu", anh Dũng cho hay.
Vợ chồng anh di cư từ Thanh Hóa, Thái Bình vào tận Sài Gòn làm công nhân, rồi lại ngược Mù Cang Chải trụ lại, cuối cùng trắng tay khi cơn lũ dữ tràn qua. Mảnh đất mới mua, ngôi nhà mới dựng ở chưa được một tháng giờ đã thành lòng suối.
Bà Sùng Thị Cở vẫn khóc khi ai đó hỏi về nhà cửa, con trai. Ảnh: Hoàng Phương. |
Mười một ngày chưa tìm thấy Giàng A Hứ, cứ nhắc đến con là nước mắt bà Sùng Thị Cở lại rơi. A Hứ (15 tuổi) cùng ba cậu bé 7-10 tuổi khác bị lũ cuốn khi chăn trâu và ngủ lại lán trên núi. Lúc người làng đổ lên tìm thì không thấy lán, cũng chẳng thấy người đâu nữa. Cả bốn đứa trẻ đều mất tích.
Từ thị trấn ngược lên khoảng ba km đến lòng hồ thủy điện Khao Mang, suối Nậm Kim - con suối dài nhất huyện Mù Cang Chải chảy đục ngầu. Giữa dòng, nhiều người dân tranh thủ đi vớt củi về. Cạnh đó, dưới lòng hồ thuỷ điện, đội cứu hộ vẫn quần thảo để tìm kiếm sáu nạn nhân mất tích sau trận lũ.
|
Đội cứu hộ vẫn đang tìm kiếm người mất tích. Ảnh: Hoàng Phương. |
Cơn lũ quét tràn qua thị trấn Mù Cang Chải rạng sáng 3/8 đã cuốn trôi 26 ngôi nhà, giật sập hoàn toàn 14 nhà, khiến 60 hộ dân khác phải di dời, phá tan hoang trường tiểu học và THCS Võ Thị Sáu ở trung tâm huyện. Tính đến sáng 14/8, có 8 người chết, 9 người bị thương, 6 người vẫn mất tích. Các địa bàn bị nặng nhất là bản Kháo Giống (xã Kim Nọi), xã Lao Chải, Chế Tạo, khu dân cư Tổ 8 thị trấn Mù Cang Chải. |
Theo Hoàng Phương (VnExpress.net)