Tại Trường THPT Trần Nhân Tông có tất cả 681 học sinh khối 12 chia làm 15 lớp. Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, mỗi buổi học chỉ có 50% số lớp 12 đến trường, cụ thể, trường chia 7 lớp học trực tiếp vào các ngày Thứ Hai - Thứ Tư- Thứ Sau; 8 lớp còn lại đến trường vào Thứ Ba - Thứ Năm - Thứ Bảy. Như vậy, theo kế hoạch mỗi ngày trường sẽ đón khoảng hơn 300 học sinh khối 12.
Trao đổi với VietNamNet, bà Phạm Thị Kiều Oanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, do thực tế tình hình dịch bệnh tại địa bàn nên trong ngày đầu tiên 6/12, chỉ có 33 học sinh đến trường, chỉ đạt khoảng 10% tổng số học sinh của nhóm học ngày chẵn.
Thế nhưng, đó chưa phải là con số thấp nhất. Bởi ngày 7/12, số học sinh đến trường chỉ là 9. Như vậy, tổng cộng cả 2 buổi đầu tiên trở lại trường chỉ có 42/681 học sinh đi học trực tiếp, chỉ hơn 6,1% trên tổng số học sinh khối 12 của trường.
Ngày 8/12, có 27 học sinh (tức đã giảm 6 em, từ 33 xuống 27 ở nhóm học sinh học ngày chẵn) đến trường.
Còn ngày hôm nay 9/12, được biết, chỉ có duy nhất 1 em (tức đã giảm 8 em, từ 9 xuống 1 ở nhóm học sinh học ngày lẻ) đến trường.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết sở đánh giá rất cao sự cố gắng của trường THPT Trần Nhân Tông, cũng như các trường có ít học sinh đến lớp khi vẫn tổ chức dạy học trực tiếp, triển khai song song hình thức khác để học sinh tiếp tục việc học trong bối cảnh dịch bệnh.
Ông cho rằng cách làm của trường THPT Trần Nhân Tông là điển hình cho nỗ lực để trường học có thể dần mở cửa trở lại.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, trường hợp có ít học sinh trở lại học trực tiếp như THPT Trần Nhân Tông không nhiều, chủ yếu rơi vào trường đóng trên địa bàn có tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhiều ca F0, F1.
Trong khi đó, ở khu vực khác, tỷ lệ học sinh đến trường cao hơn. Riêng tại trường ở quận Ba Đình, con số này là 96-97%.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo là tạo mọi điều kiện để học sinh học trực tiếp. Nếu học sinh chưa có cơ hội hoặc còn băn khoăn, lo ngại việc đi học, nhà trường kết nối để dạy trực tuyến, đảm bảo các em được tiếp cận với kiến thức theo đúng chương trình.
Ông thông tin thêm trong đợt mở cửa trường học này, các trường ở Hà Nội chưa phát hiện F0 trong trường học. Trước đó, một số học sinh mắc Covid-19 nên ở nhà, chưa đi học trở lại.
"Nếu phát hiện ca mắc trong trường, các trường sẽ phối hợp cơ quan y tế, triển khai các biện pháp như văn bản mà sở GD&ĐT và sở Y tế đã hướng dẫn", ông Tiến nói.
Ngoài ra, khi Hà Nội cho phép học sinh lớp 12 chuyển sang học trực tiếp, một số trường dựa trên nguyện vọng của phụ huynh, xin lùi lịch, chưa tổ chức dạy học tại trường từ ngày 6/12 như kế hoạch chung.
Với những trường này, ông Phạm Xuân Tiến cho hay tại cuộc họp với lãnh đạo các trường THPT vào sáng 8/12, Sở GD&ĐT Hà Nội đã quán triệt chỉ đạo hiệu trưởng các trường phải có trách nhiệm.
Theo sở, các trường cần tăng cường công tác tuyên truyền tới phụ huynh học sinh về công tác phòng, chống dịch của trường để giúp họ yên tâm. Đồng thời, nhà trường phải giúp gia đình và học sinh hiểu giá trị của việc đi học trực tiếp.
Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định khi UBND thành phố đã quyết định cho học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm túc và đáp ứng nhu cầu được đến trường của người học dù tại một số trường, số lượng này là rất nhỏ.
Theo ông Tiến, hiệu quả của việc đi học trực tiếp cùng việc thực hiện nghiêm túc công tác phòng dịch tại các trường sẽ góp phần thay đổi quan niệm của những phụ huynh, học sinh còn e ngại dịch mà chưa cho trẻ đến lớp.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)