Bắt đầu từ 0h ngày 23/8, TP.HCM tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, việc đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian này được đặt lên hàng đầu, chính vì vậy các phường, xã tại TP đã tổ chức thực hiện việc đi chợ giúp người dân.
Tuy nhiên, sau 5 ngày triển khai, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn tồn tại không ít bất cập. Đáng chú ý, nhiều địa phương phản ánh tình trạng cán bộ đi chợ giúp nhưng khi đến lúc giao lại không có người nhận, một số trường hợp người dân cho biết, "chỉ là đặt thử".
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Phan Thanh Hòa, chủ tịch UBND phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, cho biết sáng 27/8, có khoảng 30 đơn hàng người dân đặt mà không lấy. Khi gọi tới thì một vài số điện thoại không bắt máy, những trường hợp còn lại thì nói không đặt.
Cá biệt, tại phường An Phú, TP Thủ Đức, ngày 27/8 phường tiến hành giao hàng đợt đầu tiên cho người dân thì bị "bom" khoảng 100 đơn hàng.
"Tình trạng bom hàng, không nhận hầu như đều xảy ra ở các phường trên địa bàn. Có người gọi điện tới thì tắt máy, có người trả lời 'không đặt nữa', có người lại nói 'đặt thử xem chứ không mua'", ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phường An Phú phản ánh với Zing.
Ông Hải cho biết hiện nay các đơn hàng đều phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng là siêu thị. Do triển khai đồng loạt nên siêu thị chuẩn bị hàng không kịp cho các phường nên 2-3 ngày sau người dân mới có thể nhận được. Do đó, nhiều người có tâm lý muốn mua nhanh nên hủy đơn hàng.
Trước đó, trong buổi Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối 26/8, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết nhiều địa phương ở TP. HCM gặp phải tình trạng người dân “bom” hàng khi nhờ “đi chợ hộ”.
"Người dân nhờ cán bộ đi chợ hộ, nhưng khi hàng giao đến thì không nhận mà nói là đặt thử xem có thật không. Họ nói đặt cho biết vậy thôi", ông Tự Do nêu.
Chị Phương Anh, một cán bộ đi chợ hộ tại TP. Thủ Đức (TP. HCM) phản ánh với báo Công Luận, chị bị "bom" đơn hàng có giá trị 700.000 đồng. Khi đứng trước chung cư chờ giao cho người nhận, chị gọi hàng chục cuộc vẫn không được phản hồi.
"Các đơn hàng ít thì giá vài trăm, nhiều lên đến tiền triệu. Nhiều người dân khi được cán bộ mang hàng đến tận nhà thì mới báo 'chỉ định thử xem có được không', trong khi đó chúng tôi phải mất nhiều công sức", chị Phương Anh chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều người dân tại chung cư Masteri (phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức, TP. HCM) lại chật vật để nhờ đi chợ hộ, bởi hiện nay số đơn hàng đã quá tải, các tình nguyện viên phải làm việc xuyên đêm nhưng vẫn không đáp ứng kịp.
"Phường thông báo cho các gia đình danh sách 17 số điện thoại để người dân liên hệ gửi phiếu nhờ đi chợ hộ. Điền phiếu xong, tôi kết bạn Zalo với cả chục số trong danh sách nhưng không được, gọi cũng không ai nghe", anh Nguyễn Đức Vinh (ngụ phường Thảo Điền) nói với PV báo Công Luận.
(Tổng hợp)
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)