Một nữ lao động Việt ở Ả-rập Xê-út kêu cứu

22/12/2016 14:36:00

Một nữ lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở Ả-rập Xê-út với công việc giúp việc nhà đang kêu cứu vì bị người sử dụng lao động giam lỏng.

Một nữ lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở Ả-rập Xê-út với công việc giúp việc nhà đang kêu cứu vì bị người sử dụng lao động giam lỏng.

Chị Gái cho biết, hiện chị đang bị giữ ở Ả-rập Xê-út, do không biết ngôn ngữ nước này nên chị không biết chính xác đang làm việc ở vị trí nào trên đất nước Trung Á.

Chị Gái kể khoảng giữa tháng 11, chị có quen phụ nữ tên Phúc (khoảng 50 tuổi), bà này đưa chị đến một công ty du lịch trên địa bàn quận Tân Bình. 

Tại đây, giám đốc công ty tên Cường (khoảng 30 tuổi) nói sẽ làm thủ tục đưa chị sang Ả-rập Xê-út để giúp việc nhà. Vị giám đốc này hứa đưa người đi xuất khẩu lao động miễn phí và người sử dụng lao động trả cho chị 1.500 USD/tháng (khoảng 32 triệu đồng). 

Mot nu lao dong Viet o A-rap Xe-ut keu cuu hinh anh 1
Chị Gái mong muốn sớm được quay lại Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Ngày 27/11, công ty du lịch trên làm thủ tục, mua vé máy bay, đưa chị Gái đi xuất khẩu lao động mà không qua đào tạo ngoại ngữ.

Theo lời chị Gái, khi qua đến nơi, chị bị đưa vào một gia đình và bắt chăm 4 đứa trẻ. Không đồng ý với việc làm được giới thiệu, 20 ngày nay chị bị người bản xứ giữ lại.

Trao đổi với chúng tôi, nhân viên công ty du lịch trên cho biết công ty đã làm đúng theo các giấy phép kinh doanh mà pháp luật cho phép. "Hiện giám đốc công ty đang đi công tác Hàn Quốc nên mọi thông tin phản hồi về vấn đề này hẹn sau 15 ngày nữa sẽ trả lời", nhân viên công ty nói. 

Ông Nguyễn Hoàng Dương, phụ trách Phòng lãnh sự - bảo hộ công dân, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, cho biết hiện đại sứ quán vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin phản ánh hay yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn của công dân Nguyễn Thị Gái. 

Ông Dương nói sau khi tiếp nhận thông tin, đại sứ quán sẽ xác minh, thông báo về Cục quản lý xuất khẩu ngoài nước (Bộ Lao động thương binh xã hội). Theo luật, công ty đưa lao động đi xuất khẩu sẽ chịu trách nhiệm với người lao động từ khi đi đến khi kết thúc hợp đồng. 

"Khi có thông tin, chúng tôi có thể tra cứu, xác minh về trường hợp lao động này để báo về Cục quản lý lao động ngoài nước, công ty đưa lao động đi xuất khẩu để tìm công việc, chỗ ở hiện tại của người lao động. Trong mọi trường hợp, công ty đưa người lao động đi phải chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động mà đơn vị đưa đi xuất khẩu", ông Dương nói.

Ông Dương cũng cho biết đại sứ quán sẽ sớm kiểm tra thông tin về trường hợp này sau khi nhận được thông tin từ chúng tôi. 

Theo Hoàng Bình - Khánh Trung (Zing.vn)

Nổi bật