Một người chết, bốn người cấp cứu vì ăn nhầm so biển

03/02/2015 14:17:42

Theo tin từ BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, rạng sáng 3-2 nơi đây tiếp nhận bốn bệnh nhân chuyển viện từ Sóc Trăng với triệu trứng ban đầu được chẩn đoán do ngộ độc so biển như huyết áp cao, mạch chậm, chân tay tê, nhức đầu, buồn nôn.

Theo tin từ BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, rạng sáng 3-2 nơi đây tiếp nhận bốn bệnh nhân chuyển viện từ Sóc Trăng với triệu trứng ban đầu được chẩn đoán do ngộ độc so biển như huyết áp cao, mạch chậm, chân tay tê, nhức đầu, buồn nôn. Hiện bốn bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt. BV đang tiếp tục tiến hành các bước giải độc và hồi phục sức khoẻ cho họ.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Ông LNM (ngụ xã Vĩnh Hải, Thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), một trong bốn bệnh nhân cho biết vào sáng 2-2, cả bốn người tới nhà ông LĐ làm mướn. Khi đang nạo đất họ bắt được một con sam nhỏ (con sam và con so khá giống nhau, đến nay chưa ghi nhận ngộ độc sam mà chỉ có ngộ độc so biển – PV). Trong khi chờ sửa máy xúc đất, cả chủ đất và bốn người làm công nướng sam (so) nhậu với rượu trắng và một con cá bống cát. Hai tiếng sau ông LĐ kêu mệt được người nhà đưa về rồi ra trạm xá xã cấp cứu. Ở đây ông Đ được chẩn đoán ngộ độc so biển và tiến hành cấp cứu nhưng ông không qua khỏi. Bốn người còn lại cũng được trạm xá xã thông báo và chuyển lên tuyến trên.

Tra cứu trên mạng cho thấy, sam biển và so biển là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Trên thế giới họ Sam (Xiphosuridae) có 4 loài, còn ở Việt Nam chỉ có 2 loài là sam biển (Tachypleus tridentatus) và so biển (Carcinoscorpius rotundicauda). Hình dạng hai con này gần giống nhau.

Tachypleus tridentatus dân gian gọi là sam biển (sam lớn) là loài được khai thác, sử dụng làm thực phẩm.

Carcinoscorpius rotundicauda dân gian gọi là so biển (sam nhỏ). So biển có độc tố tetrodotoxins, là một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp. Hiện nay chưa có thuốc giải độc. Độc tố tetrodotoxin (như độc tính của độc tố ở cá nóc) tan trong nước, không bị nhiệt phá huỷ (nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại).
 
Theo N.Nam (Pháp Luật TPHCM)