Những ngày gần đây, khi thời tiết nóng kéo dài khiến lượng bệnh nhi đến khám và nhập viện tại các bệnh viện nhi tại TP HCM tăng lên đột biến. Đặc biệt các loại bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng bùng phát ở nhiều khu vực miền Nam. Tình trạng này khiến một số bệnh viện bị quá tải, không đủ cơ sở để cung ứng cho nhu cầu của bệnh nhân.
Tại bệnh viện Nhi Đồng 2 (quận 1, TP HCM), các khoa Niệu, khoa Nội Tổng hợp, khoa Nhiễm - Thần kinh và phòng Cấp cứu đều nườm nượp các bệnh nhân đến thăm khám điều trị.
Có mặt tại khoa Nhiễm - Thần Kinh vào buổi trưa, không khí nơi đây vô cùng ngột ngạt với tiếng trẻ em than khóc bởi những cơn sốt hành hạ.
Không khí oi bức khiến phụ huynh nuôi bệnh phải quạt liên tục, dỗ dành con cái.
Bên trong phòng, các giường bệnh đều được đặt san sát nhau. Phía bên ngoài hành lang, giường xếp và võng được đặt 2 bên, người nhà lẫn bệnh nhi chen chúc nằm.
"Giờ các phòng bệnh đều chật cứng và cũng rất nóng bức nên chúng tôi phải xếp giường ra hành lang nằm. Buổi sáng thì còn đỡ, buổi trưa nắng hắt vào thì nóng không tả nổi. Về đêm thì lạnh với muỗi nhiều, phải mắc mùng để ngủ. Chừng nào có người xuất viện, có giường trống thì mình chuyển vào" - Anh Lê Thành Vương quê ở Cần Giờ, TP HCM chia sẻ.
Nhiều phụ huynh khác cũng bày tỏ sự lo ngại rằng, việc phải điều trị ngoài hành lang nóng bức và đông đúc, nằm giường xếp võng xếp sẽ khiến tình trạng bệnh của con em trở nên nặng hơn. Mỗi khi đêm về, các hành lang lại càng trở nên đông đúc chật hẹp hơn khi người nhà nuôi bệnh đặt thêm võng xếp, trải chiếu nằm ngủ la liệt ngoài hành lang.
"Con tôi bị sốt xuất huyết khoảng 6 ngày rồi, đưa vào bệnh viện điều trị nhưng vẫn chưa thuyên giảm nhiều. Có lúc tỉnh thì khỏe bình thường, mỗi lần con lên cơn sốt là lại nôn mửa, khóc quấy. Tôi phải bồng bế dỗ dành, thức trắng cả đêm cho con ngủ.
Con tôi bị sốt xuất huyết mà nằm hành lang vừa lạnh, vừa muỗi. Nếu được thì cũng mong có những bệnh viện hiện đại và quy mô hơn để phục vụ cho nhu cầu thiết thực của người dân" - Một nữ phụ huynh đến từ Long An buồn bã nói.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong năm 2018, số ca mắc bệnh tay chân miệng giảm 18,9%, sốt xuất huyết giảm 53,6% so với năm 2017 và giai đoạn 2013 - 2017. Tuy vậy, trong thời gian gần đây, những bệnh này gia tăng tại một số địa bàn nơi tập trung đông dân cư, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa bảo đảm vệ sinh ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai,...
Còn theo thống kê của Viện Pasteur TP HCM, 47.957 ca bệnh nhân mắc tay chân miệng tại khu vực phía Nam trong 9 tháng đầu năm.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại bệnh viện:
Theo Quốc Chiến (Soha/Trí Thức Trẻ)