Cuộc chiến cam go bắt đầu ngày 29 Tết, nhưng "không một ai bị bỏ lại phía sau"
Ngày 23/1/2020, tức 29 Tết Canh Tý, khi cả nước đang chuẩn bị đón năm mới, 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được công bố. Người cha 66 tuổi từ Vũ Hán, Trung Quốc đến Việt Nam thăm con trai 28 tuổi. 2 bệnh nhân này, trong quá trình di chuyển, lưu trú tại Khánh Hòa đã lây bệnh cho một nữ nhân viên khách sạn - trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, đầu tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch tại Việt Nam và ra quyết định thắt chặt biên giới, thu hồi giấy phép hàng không và hạn chế thị thực.
Ngày 25/2/2020, 16 trường hợp nhiễm Covid-19 giai đoạn 1 được công bố khỏi bệnh và xuất viện. Trong 16 người đầu tiên này, có trẻ sơ sinh đến người cao tuổi, người mắc các chứng bệnh nền. Các bệnh viện đã tổ chức hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho từng bệnh nhân, khống chế được các bệnh lý nền, giúp tạo nên cơ hội để điều trị thành công.
"Nếu chống dịch Covid-19 như một cuộc chiến thì chúng ta đã thắng trận mở màn nhưng chưa thắng cả cuộc chiến", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Từ 6/3 đến 19/3/2020 xuất hiện các ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài. Tối ngày 6/3, Hà Nội công bố trường hợp đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2. Đây là bệnh nhân thứ 17 trên cả nước, chấm dứt chuỗi liên tiếp 22 ngày Việt Nam không có thêm ca mới. Hơn 500 m phố Trúc Bạch bị phong tỏa. 66 hộ dân, 189 người phải cách ly 14 ngày. Người dân thủ đô trải qua một đêm không ngủ.
Từ 20/3-21/4/2020 xuất hiện các ca lây lan trong cộng đồng. Chiều 20/3, Bộ Y tế công bố 2 bệnh nhân Covid-19 thứ 86 và 87 là 2 nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) với tiền sử dịch tễ không tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19.
Ngày 18/3, nam phi công người Anh liên quan đến quán bar Buddha được xác định là bệnh nhân 91. Tại đây, TP.HCM lần lượt ghi nhận thêm 18 bệnh nhân khác. Nam phi công trải qua 110 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, từng nhiều lần "thập tử nhất sinh". Có thời điểm, hai lá phổi của anh "đông đặc", chỉ còn cơ hội cuối cùng là ghép phổi.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, để chủ động phòng, chống dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, từ ngày 16/3/2020, người dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng..., đồng thời giao 2 bộ Công thương và Y tế chỉ đạo bảo đảm sản xuất, cung ứng khẩu trang bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân.
Từ 0h ngày 22/3, Việt Nam tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài, đồng thời thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với mọi trường hợp nhập cảnh.
Các hoạt động tập trung đông người tại các địa phương bị hạn chế, đồng thời một số nơi thực hiện đo thân nhiệt, trang bị chất sát khuẩn, phát khẩu trang miễn phí, siết chặt kiểm soát nhằm giảm thiểu rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng như lập các chốt chặn giao thông ở cửa ngõ của mỗi tỉnh; đóng cửa các hàng quán; thiết lập buồng khử khuẩn; lập tổ chống dịch. Một số địa phương thực hiện khử trùng hoặc hạn chế việc đi lại của người dân.
Từ 0h ngày 1/4, Việt Nam thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước.
"Tinh thần là tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ thị này yêu cầu mọi người ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu. Trong khi đó, các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn được hoạt động, các trường hợp khẩn cấp khác đều tạm dừng; thực hiện nghiêm chỉnh việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
"Mỗi một bệnh nhân tử vong, anh em đều nhắn tin về "xin lỗi thủ trưởng, chúng tôi không cứu được"
Cuối tháng 5, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các ổ dịch lần lượt gỡ phong toả, cả nước trở mình sang trạng thái "bình thường mới". Rất nhiều doanh nghiệp đóng góp vật tư, thiết bị và cả kinh phí cho chống dịch. Những mô hình "ATM gạo", "ATM khẩu trang", "Siêu thị 0 đồng", "Siêu thị khẩu trang"... giúp đỡ thiết thực nhiều người nghèo trong giai đoạn khó khăn. Nhiều chủ nhà đã miễn giảm, không thu tiền thuê trọ cho công nhân, sinh viên, người nghèo...
Nhiều chuyến bay "giải cứu" từ Việt Nam đã đi vào những tâm dịch đón sinh viên, người lao động nước ngoài trở về quê hương theo đúng tinh thần mà Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh "không để một ai bị bỏ lại ở phía sau" trong đại dịch Covid-19.
Từ 24/7-4/9/2020, Bộ Y tế công bố ca nhiễm thứ 416 tại Đà Nẵng nhưng không truy được nguồn lây, chấm dứt chuỗi 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, kéo theo các ca nhiễm mới xuất hiện, "đánh" vào những khoa trọng yếu của các bệnh viện lớn.
Ngày 28/7, TP Đà Nẵng bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội. Ngày 13 và 14 tháng 8, khách du lịch nội địa mắc kẹt tại Đà Nẵng được đưa trở về địa phương. Các ca nhiễm ở Quảng Nam, TP.HCM, Hà Nội, Đắk Lắk... cũng lần lượt được ghi nhận và đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng.
Từ ngày 31/7/2020, Việt Nam xác nhận ca tử vong đầu tiên. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói rằng "rất đau buồn, như xát muối trong lòng" khi công bố những bệnh nhân không thể qua khỏi. Đến nay, 35 bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong, phần lớn họ đều lớn tuổi và có nhiều bệnh lý nền nặng.
"Mỗi một bệnh nhân tử vong, anh em đều nhắn tin về "xin lỗi thủ trưởng, chúng tôi không cứu được", Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ Y tế đã cử tất cả các đội tinh nhuệ nhất "chưa có trong tiền lệ", gồm các giáo sư đầu ngành, bác sĩ, chuyên gia và sinh viên, từ các bệnh viện lớn vào chi viện, phối hợp, hỗ trợ Đà Nẵng và Quảng Nam. Các trang thiết bị cần thiết cũng được đưa vào để phục vụ điều trị. Các lực lượng đã phối hợp với nhau quyết giữ "mặt trận" này.
Sau 2 tháng kiểm soát thành công "ổ dịch" Đà Nẵng, Covid-19 một lần nữa "tấn công" TP.HCM khi Bộ Y tế công bố bệnh nhân 1342 - nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines nhiễm bệnh trong khu cách ly tập trung. Anh này đã vi phạm quy định cách ly tại nơi cư trú khi tiếp xúc với 3 người, đi học ĐH HUTECH và đi ăn trưa ngoài. Từ đó, nam giáo viên tiếng Anh 32 tuổi, tới sống cùng bệnh nhân, đã bị nhiễm Covid-19, trở thành bệnh nhân 1347.
Bệnh nhân 1347 sau đó lây cho 2 người khác, gồm một học viên và một bé trai 14 tháng tuổi. Từ đây, chùm 4 ca bệnh một lần nữa phá vỡ chuỗi gần 100 ngày không lây nhiễm trong cộng đồng tại Việt Nam.
Cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bệnh nhân 1342. Đây là lần đầu tiên các sai phạm trong phòng chống Covid-19, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, bị xem xét xử lý hình sự.
Cuối năm 2020, Việt Nam phát hiện bệnh nhân 1440 nhập cảnh trái phép tại Vĩnh Long, liên tiếp sau đó ghi nhận thêm các bệnh nhân 1451, 1452, 1453 cùng nhập cảnh chui với bệnh nhân 1440.
Công an tỉnh An Giang đã khởi tố vụ án hình sự "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép". Sau đó, Công an tỉnh Vĩnh Long cũng đã quyết định khởi tố bị can đối với bệnh nhân 1440 về hành vi "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người".
Bộ trưởng kêu gọi "hãy nhập cảnh chính ngạch" để người dân được đón Tết an lành
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ghi nhận tại Anh và Nam Phi hiện đang lây lan ra các nước và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, bệnh nhân 1435 là ca bệnh đầu tiên nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 - biến thể VOC 202012/01, đồng thời chủng gây bệnh cũng có đột biến D614G.
Tính đến 18h tối 22/1, Việt Nam ghi nhận 1548 bệnh nhân Covid-19, điều trị khỏi 1411 người. Hơn 18.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe tại nhà, bệnh viện và các cơ sở lưu trú khác.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và khu vực, Bộ Y tế khuyến cáo cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chiến lược xuyên suốt từ ban đầu: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả.
Hiện nay, các đơn vị sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu, tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng. Trong đó có 2 vaccine ngừa Covid-19 bao gồm Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen (Nanocovax) và Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (Covivac) đang được thử nghiệm.
Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, "phải giữ chặt, từng li từng tí một mới kiểm soát được lây nhiễm Covid-19. Dù trong bối cảnh hiện nay, một số nước đã có vaccine tiêm phòng, nhưng việc lây nhiễm Covid-19 còn lây nhanh hơn tốc độ tiêm".
Bên cạnh đó, thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tăng cường lực lượng cho bộ đội biên phòng, có những hỗ trợ kịp thời cho các chốt kiểm soát dịch bệnh trên đường biên.
Lực lượng công an đã có sự phối hợp sát với các địa phương, phổ biến xuống tận cơ sở để tuyên truyền, vận động những gia đình có người thân ở nước ngoài nếu buộc phải về thì phải theo đường hợp pháp, tuân thủ các quy định về cách ly, giám sát y tế. Nếu người dân phát hiện người lạ hay người có biểu hiện từ nước ngoài về cần báo ngay cho công an, chính quyền cơ sở.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long xác định mục tiêu cấp bách và trường kì trong năm 2021, ngành Y tế cố gắng giúp người dân được hưởng một cái Tết an lành, đưa cuộc sống bình thường trở lại, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Sự biến chủng của virus SARS-CoV-2 đòi hỏi Việt Nam phải có sự quyết tâm cao hơn nữa trong đại chiến cam go này.
Theo MINH NHÂN (Pháp luật & Bạn đọc)