Ngày 12/3, Đoàn luật sư TP.HCM đã ra quyết định xử lý kỷ luật luật sư Phạm Công Út (Công ty TNHH MTV Phạm Nghiêm) bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư - Đoàn luật sư TP.HCM.
Sở dĩ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM ra quyết định kỷ luật này là do ông Út ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng nhận ngay một tỉ đồng và sẽ nhận 30% giá trị tài sản thu hồi được nhưng không có khả năng thực hiện hợp đồng, không hoàn trả tiền cho khách hàng.
Khách hàng yêu cầu thanh lý hợp đồng, ông Út chỉ chuyển trả 200 triệu đồng. Đến khi khách hàng khiếu nại, ông Út lại cho rằng số tiền 200 triệu đồng là cho khách hàng mượn sẽ đòi lại và yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Trong quá trình hòa giải, ông Út không thừa nhận sai phạm, chỉ trả thêm 300 triệu đồng và đặt điều kiện là khách hàng phải rút đơn khiếu nại, nếu không ông sẽ kiện đòi lại tiền. Tuy nhiên khách hàng không đồng ý, tiếp tục yêu cầu ông Út trả phần còn lại.
Hành vi nêu trên của ông Phạm Công Út đã vi phạm khoản 5 Điều 3, điểm d khoản 1 Điều 9 Luật luật sư, các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam.
Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Công Út cho hay vẫn chưa nhận được quyết định của Đoàn luật sư TP.HCM, mới chỉ biết thông tin qua báo chí.
Cũng theo ông Út, hiện ông chưa có ý định khiếu nại gì “Đúng sai gì cũng phải giữ cái sự bình thản của mình chứ mình không có vội vàng. Gia đình tôi không muốn tôi theo con đường luật sư này từ lâu rồi vì nó nguy hiểm quá, nhiều kẻ thù quá...
Cuối tuần vừa rồi trên mạng râm ran việc tôi bị xóa tên vĩnh viễn, gia đình mừng lắm thành ra không muốn tôi khiếu nại gì hết, động viên tôi bỏ nghề luôn. Nhưng anh em luật sư chưa chắc gì họ đồng tình với cách hành xử dễ chấp nhận như vậy, vì hôm nay là tôi thì ngày mai sẽ là những người khác, những người trong Hội đồng bào chữa sẽ bị tan tác hết (Hội đồng bào chữa vụ án Navibank - TAND đang xét xử và ông Út hiện là luật sư bảo vệ cho một số bị cáo trong vụ án)
Nếu các luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý thông qua hợp đồng nhưng khi khách hàng khiếu nại thì hai bên có thể lôi nhau ra tòa, đúng sai thì tòa phán quyết. Để can thiệp bằng một quyết định hành chính, đối với luật sư khác không chấp nhận nhưng đối với tôi, không thích tôi làm luật sư thì tôi làm việc khác vì với bằng luật và kinh nghiệm thì thiếu gì chỗ, thiếu gì việc cho mình làm”, ông Phạm Công Út trần tình.
Trước đó, khi bảo vệ cho các bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại ngân hàng Navibank, ông Út đã đã đăng trên Facebook cá nhân của mình với lời lẽ khá gay gắt, 'đe dọa' các phóng viên: “Nếu các báo đưa hình ảnh kèm bài viết mang tính phán xét các bị cáo sẽ phải gặp sự bảo vệ quyết liệt của các luật sư trong Hội đồng bào chữa trong thời gian sắp tới”.
Sau đó, các luật sư đã đề nghị HĐXX yêu cầu các phóng viên không được xâm hại quyền cá nhân của bị cáo trong việc chụp ảnh và đưa tin tại phiên toà. Tuy nhiên, đề nghị này của các luật sư đã bị chủ tọa bác bỏ.
Theo Đoàn Nga (VietNamNet)