Nhân viên một quán tạp hóa giới thiệu “tinh chất” cà phê bán cho khách hàng - Ảnh: Trung Tân |
Đủ loại “tinh chất” cà phê
“Anh chỉ cần lấy que tăm bông nhúng vào tinh chất này, sau đó khuấy đều vô ly nước (có màu đen quánh) sẽ có một ly đậm đà hương vị cà phê” - Hoa (đã đổi tên), nhân viên một quán tạp phẩm tại TP Buôn Ma Thuột, quảng cáo như thế khi chúng tôi dò hỏi mua “tinh chất” cà phê.
“Anh mua loại nào?” - Hoa hỏi rồi dẫn chúng tôi ra phía sau, nơi để la liệt can nhựa đựng các dung dịch màu đen để tạo màu, mùi cà phê. Khi nghe chúng tôi nhờ hướng dẫn vì mới mua lần đầu, nhân viên này đưa từng chai “tinh chất” cà phê lên giới thiệu: “Có đủ mùi hương cà phê như robusta, moka, brazil... tùy anh lựa chọn”. Chúng tôi mở các chai ra ngửi, chai nào cũng đậm đặc mùi... cà phê đủ loại.
“Chỉ cần khuấy tinh chất này là thành cà phê hả?” - chúng tôi thắc mắc, Hoa giải thích: “Cái này chỉ tạo mùi và vị, màu rất nhạt nên phải pha với ly nước có màu như cà phê hoặc là cà phê pha loãng rồi cho thêm "tinh chất" vào cho tiết kiệm”.
Tiếp tục chỉ tay lên kệ có nhiều can nhựa không nhãn mác, Hoa nói: “Đây là những phụ gia để trộn rang với cà phê, còn những chai “hương cà phê”, “tinh chất cà phê” này để hòa trực tiếp làm cà phê luôn.
Giá mỗi chai này (khoảng 1,2 kg/chai) là 400.000 đồng nhưng chỉ cần một giọt ở đầu tăm là anh đã có ly cà phê thơm phức, tính ra rất lợi. Nhưng anh mới mở quán nên mua mỗi thứ một ít về thử trước, thích loại nào mới mua nhiều. Ở đây nhiều người cũng mua như vậy khi mới mở quán”.
“Anh cũng có thể dùng bột tinh chất để hòa làm cà phê” - Hoa tranh thủ quảng cáo rồi với tay lấy một túi nhựa (toàn chữ Trung Quốc), bên trong đựng thứ bột mịn màu trắng, giới thiệu chúng tôi mua 50g về dùng thử. “Anh cũng dùng cây tăm bông nhúng bột này hòa vào nước làm cà phê, hoặc bỏ một thìa vào cốc lớn hòa cho nhanh” - Hoa hướng dẫn.
Bán “tinh chất” cà phê cho khách hàng tại một tiệm tạp hóa ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) (ảnh lớn) Ảnh nhỏ: một loại “tinh chất” cà phê bán ở cửa hàng tạp phẩm tại TP Buôn Ma Thuột - Ảnh: Trung Tân |
Để tìm hiểu về loại “tinh chất” cà phê này, trong vai sinh viên lần đầu mở quán cà phê, chúng tôi tìm đến chợ Kim Biên (Q.5), địa chỉ được nhiều người giới thiệu là nơi cung cấp hàng.
Tại khu vực bán hương liệu, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục tiệm diện tích 5 - 10m2 với đủ loại hương liệu được xếp đầy trong những can, chai nhựa đến bịch nilông, thậm chí thùng lớn hay bao tải lớn cũng chứa đầy hóa chất sực nức mùi với đủ loại nguồn gốc, nhiều nhất vẫn là hàng Trung Quốc.
Tại sạp CT, sau khi ngỏ ý muốn mua “tinh chất” cà phê, bà chủ sạp hỏi: “Muốn mua loại gì, có nhiều loại lắm?”. Thấy chúng tôi lúng túng, bà này giới thiệu: “Hương chồn, moka, hương Đông Đức, hạt dẻ... giá chừng mấy trăm à”.
Sau khi chúng tôi chọn loại hương chồn với giá 350.000 đồng/kg, nhân viên sạp đưa ra một chai nhựa màu trắng xám toàn chữ Trung Quốc, phía sau dán một miếng giấy ghi tên loại hương, ngoài ra không có bất kỳ thông tin nào về nguồn gốc hay hạn sử dụng.
Theo giải thích của bà chủ sạp, đây là loại hương liệu tạo mùi chứ không phải nhỏ vài giọt vào nước là thành ly cà phê.
“Không phải bỏ vô nước lọc là thành cà phê được, em phải có cà phê trước, pha sẵn rồi nhỏ giọt vô đó làm cho mùi thơm hơn, ngon hơn chứ không có tự nhiên làm thành ly cà phê được”.
Tại một quầy ngay lối vào chợ chính, ông chủ quầy khuyến khích chúng tôi: “Cứ lấy vài ký về pha thử, nếu được quay lại, khách quen anh bán giá sỉ cho, yên tâm”, đồng thời cho biết hương chồn có giá 350.000 đồng, robusta 320.000 đồng/kg...
Tuy nhiên, vị này từ chối tiết lộ nguồn gốc các loại hóa chất này dù hầu hết các chai lọ, bịch nilông đều có chữ Trung Quốc.
Còn tại sạp hóa chất T - nơi bày la liệt can nhựa màu trắng, bên ngoài ghi tên các loại hóa chất như hương vani, hương cam, hương dâu... Chỉ cho chúng tôi một loại hương để pha cà phê, bà chủ cho biết can loại 5 lít có giá 250.000 đồng.
* Ông Trần Ngọc Thanh (chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sở NN&PTNT Đắk Lắk): Khó bắt quả tang Để bắt tận tay các chủ quán pha hóa chất tạo cà phê rất khó khăn, gần như không thể mà chỉ trông đợi vào đạo đức kinh doanh. Hơn nữa, việc quản lý thức ăn, đồ uống thuộc thẩm quyền của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Đắk Lắk). Đối với các cơ sở sản xuất đậu nành, bột bắp thành “cà phê nguyên chất” cũng rất khó kiểm tra, bắt quả tang vì các xưởng này thường không đăng ký kinh doanh, hoạt động lén lút. Khi cơ quan chức năng kiểm tra thì họ không hoạt động. Chỉ khi có thông tin thật sự chính xác, bất ngờ kiểm tra mới có thể bắt quả tang, thu giữ vật chứng để xử lý... |
Cà phê không có... caffeine Trong những ngày đi thực tế, chúng tôi đã đưa một mẫu “tinh chất” cà phê (mùi robusta) mua được tại các quán tạp phẩm đến Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên (TP Buôn Ma Thuột) để kiểm tra, tìm xem “tinh chất” này có hàm lượng caffeine nào không. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng trong mẫu này không có. Tức “tinh chất” này chỉ có mùi cà phê, hoàn toàn không phải là cà phê. Một cán bộ tại Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên cho biết để phân tích xem trong mẫu sản phẩm bán trôi nổi này có độc tố, gây hại cho con người hay không cần một quá trình thí nghiệm, thử nghiệm lâu dài trên động vật. “Tuy nhiên, với mẫu “tinh chất” cà phê mà không có chút caffeine thì rõ ràng là hóa chất. Khi hóa chất hòa tan cho người uống, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe” - cán bộ này nhận định. |