Chiều 2/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Quang Tuấn đã thông tin về việc dừng tuyển sinh lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ngay năm học này theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, việc dừng tuyển sinh Ams2 là theo chỉ đạo của thành phố, sau đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu để tham mưu, đề xuất UBND thành phố có phương án phù hợp với quy định hiện hành, đảm bảo yêu cầu đào tạo nguồn học sinh chất lượng cao, đáp ứng nguyện vọng của học sinh và phụ huynh thủ đô.
Từ chiều tối đến nay, tin Ams2 dừng tuyển sinh chính là tin tức được phụ huynh quan tâm, bàn tán nhiều nhất. Mọi bài đăng về vấn đề này đều thu hút hàng trăm đến cả nghìn bình luận của các bậc phụ huynh, đặc biệt là những cha mẹ có mong muốn cho con theo học tại môi trường này.
Phe hân hoan ủng hộ - phe ủ rột phản đối
Khi đọc được tin Ams dừng tuyển sinh, anh H. Phúc (37 tuổi, quận Cầu Giấy) cảm thấy khá nhẹ nhõm. Vị phụ huynh này bình luận: "Vậy cũng được, cho đỡ loạn!". Theo anh Phúc, "loạn" ở đây là việc phụ huynh vì muốn cho con vào Ams mà tạo quá nhiều áp lực học tập cho con, chạy đua để có một tấm học bạ đẹp, khiến nhiều đứa trẻ mất đi tuổi thơ.
"Không chỉ tôi mà nhiều phụ huynh khác cũng có chung suy nghĩ này", anh Phúc chia sẻ. Anh cho biết, bản thân cũng hoàn toàn tán đồng chia sẻ của Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành trước đó: "Việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nguồn cho trường THPT chuyên thực chất là nhiệm vụ của tất cả các trường THCS chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng một số trường THCS có chất lượng cao".
Anh M. Đạt (quận Đống Đa) thì nhận xét: "Học bạ toàn điểm 10 mà còn trượt sơ tuyển thì tôi nghĩ dừng tuyển là đúng vì nó vô lý quá. Nghĩ thôi đã thấy áp lực!".
Tuy nhiên, ngược với ý kiến hân hoan, tán đồng thì rất nhiều phụ huynh Hà Nội hiện tại đang u sầu, tiếc "đứt ruột, đứt gan" vì tin Ams2 tuyển sinh. Một trong số đó là chị Thu Thủy (42 tuổi, Thanh Xuân), có con 2k13, được định hướng vào Ams2 năm nay.
"Tôi hụt hẫng vô cùng và tiếc công sức học tập chăm chỉ của con. Việc thi Ams2 không chỉ là nguyện vọng của bố mẹ mà cũng là nguyện vọng của cháu từ cuối năm lớp 2, khi thấy anh họ học Ams và thường hay kể cho nghe về trường. Bản thân cháu cũng có tố chất học tốt nên gia đình khuyến khích, tạo điều kiện ôn luyện". Chị Thủy cho rằng, nếu quyết định dừng tuyển sinh Ams2 thì nên có quyết định chính thức từ sớm, thay vì đến "phút 89" mới công bố.
Không định hướng cho con học Ams2 nhưng anh Tiến Minh (quận Hà Đông) cũng cảm thấy hụt hẫng không kém. "Tôi cho rằng không có gì sai khi tạo ra một môi trường cho các cháu ưu việt. Nhiều phụ huynh đổ cho 'áp lực' nhưng thực tế, nếu căn cứ theo năng lực thực sự của con mình mà cho thi thì chẳng đến mức thế. Áp lực là do chính phụ huynh tạo ra, khi cứ cố muốn con vào Ams2 bằng được trong khi các con không muốn. Còn nếu các cháu nào học giỏi, có tố chất, bản thân cũng đồng ý với định hướng chọn trường của cha mẹ thì có gì sai nhỉ?" .
Hiện tại, nhiều phụ huynh Hà Nội đang hy vọng vào phương án tách khối THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thành 1 trường riêng, giống như trường hợp của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) trước đó. Cụ thể, vào khoảng gần cuối tháng 3, UBND TP.HCM đã chấp thuận phương án tách Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thành Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa có tư cách pháp nhân riêng.
Trong đó, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tiếp tục tổ chức và hoạt động của trường chuyên. Trường sẽ có trụ sở tại lô P2 Khu tái định cư 38,4ha, phường An Khánh, TP Thủ Đức.
Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa tổ chức và hoạt động theo quy định tại điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trường có trụ sở tại số 53 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, Quận 1.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng mong đợi, chỉ tiêu tuyển sinh Ams2 mọi năm, năm nay sẽ được dành cho Ams3, để học sinh có nhiều cơ hội học tập trong môi trường này hơn.
Theo Thanh Hương (Phụ Nữ Mới)