“Một bệnh viện 2 chế độ” bao giờ kết thúc?

13/06/2016 09:46:00

Phòng dịch vụ do các bệnh viện tự định giá nên có sự khác nhau là điều đương nhiên nhưng câu hỏi đặt ra là giá cả có xứng với chất lượng.

 

Loạn giá phòng dịch vụ

Ho và khó thở kéo dài, bà Nguyễn Thị Liên ở Thanh Xuân, Hà Nội nhập Bệnh viện Bạch Mai, được bác sĩ khám và chỉ định điều trị nội trú tại Trung tâm Hô hấp. Từ trước đến nay, khoa này thường quá tải và bệnh nhân phải nằm ghép. Lo cho bà Liên tuổi cao, người mệt, gia đình đã đăng ký với bộ phận hành chính để bà được nằm phòng dịch vụ nhưng tất cả các phòng tại đây đều đã kín chỗ.

Nằm viện, ai cũng muốn được nằm phòng dịch vụ vì tại đây có điều hòa, ti vi, thậm chí có cả tủ lạnh, tủ đựng quần áo; hơn nữa không phải nằm ghép, yên tĩnh và sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế và không phải lúc nào cũng còn phòng dịch vụ để thuê.

Phòng dịch vụ Khoa Thần kinh (BV Bạch Mai) mốc meo, rêu xanh bám đầy

Giá phòng dịch vụ mỗi khoa, mỗi bệnh viện một khác. Tại Bệnh viện Việt Đức, phòng dịch vụ 2 giường, giá 1,5 triệu đồng/bệnh nhân/ngày. Bệnh viện Lão Khoa Trung ương, có 2 mức giá, phòng dịch vụ 2 giường giá tương tự Bệnh viện Việt Đức và phòng 1 giường giá 2 triệu đồng/ngày.

Với Bệnh viện Bạch Mai, phòng dịch vụ tại khoa Thần kinh là 1,2 triệu đồng/bệnh nhân, phòng 3 giường, nhưng tại Trung tâm Tim mạch, cơ sở vật chất khang trang hơn, giá 2 triệu đồng/ngày đối với phòng 1 giường và 1,5 triệu đồng đối với phòng 2 giường.

Bệnh viện Thanh Nhàn, phòng dịch vụ 8 giường với giá 200.000 đồng/bệnh nhân (chỉ khác phòng bình thường là có máy điều hòa). Tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) chi phí giường nằm trong phòng dịch vụ theo yêu cầu cũng có nhiều loại: từ 200.000 đồng/giường/ngày đến 2 triệu đồng/giường/ngày.

Điều đáng nói là giá của các phòng dịch vụ đều do bệnh viện đề ra, chứ chưa có văn bản nào của Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể.

Giá cả có tương xứng chất lượng?     

Phòng dịch vụ theo yêu cầu do các bệnh viện tự định giá nên có sự khác nhau là điều đương nhiên nhưng câu hỏi đặt ra là giá cả có xứng với chất lượng? Chưa thể có câu trả lời thỏa đáng vì hiện nay chưa có tiêu chí cụ thể nào cho 1 phòng dịch vụ theo yêu cầu. Chỉ biết rằng, mới đây xuất hiện 2 sự cố cho thấy, phòng dịch vụ theo yêu cầu không phải lúc nào giá cả cũng đi cùng với chất lượng.

Sự cố thứ nhất xảy ra cách đây gần 1 tháng, khi một số phòng dịch vụ tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai xuống cấp nghiêm trọng, tường bị ẩm mốc, rêu xanh bám đầy, điều hòa hỏng và không có công trình phụ khép kín nhưng bệnh viện vẫn thu với giá 1,2 triệu đồng/ngày đối với phòng 3 giường.

Bức xúc, người nhà bệnh nhân đã đưa lên facebook. Khi báo chí vào cuộc, Bộ Y tế xuống kiểm tra, bệnh viện đã phải xin lỗi bệnh nhân và từ đó áp dụng mức giá bình thường đối với những buồng bệnh xuống cấp này, chứ không thu theo giá dịch vụ yêu cầu nữa.

Sự cố thứ 2 xảy ra ngày 7/6 vừa qua, một mảng vữa trên trần nhà Khoa khám bệnh theo yêu cầu (khu B) của Bệnh viện Nhi Trung ương bất ngờ sập xuống, rơi trúng đầu mẹ con chị Hường (Hà Nội) đang đi khám bệnh, khiến chị Hường bị thương khâu 4 mũi, còn con chị bị xây xước đầu và hoảng loạn. Mặc dù sau sự cố này bệnh viện đã tiến hành sửa chữa, tạo mảng trần mới nhưng người dân vẫn chưa hết ngạc nhiên về chất lượng của khu vực khám bệnh theo yêu cầu.

Thiếu quy định về phòng dịch vụ theo yêu cầu

Hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể nào cho việc tổ chức các phòng dịch vụ theo yêu cầu; đồng thời chưa ban hành các quy định về việc bệnh viện sẽ được thực hiện bao nhiêu phần trăm số giường bệnh dịch vụ theo yêu cầu cũng như khu khám và điều trị dịch vụ theo yêu cầu được chiếm tối đa bao nhiêu phần trăm diện tích của bệnh viện. Chính điều này đã góp phần dẫn đến tình trạng “Công tư lẫn lộn” tại các cơ sở y tế.

Trong một bệnh viện công lập hiện nay, xen kẽ giữa các công trình Nhà nước đầu tư xây dựng lại có những tòa nhà được xây theo hình thức xã hội hóa hoặc bệnh viện vay vốn ngân hàng để xây dựng sau đó thực hiện các dịch vụ theo yêu cầu (trong đó có buồng bệnh dịch vụ) tại các tòa nhà đó để lấy tiền trả nợ và tăng nguồn thu. Đây là hệ quả tất yếu khi các bệnh viện được thực hiện tự chủ về tài chính. Nhưng nếu không có những quy định chặt chẽ sẽ khó tránh khỏi tình trạng bệnh viện chỉ tập trung đầu tư cho các dịch vụ theo yêu cầu để tăng nguồn thu một cách nhanh chóng. 

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên, khi nào giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá thì khi đó các phòng dịch vụ theo yêu cầu sẽ dần ít đi. Tuy nhiên, chỉ khi nào Quỹ Bảo hiểm y tế đủ khả năng chi trả tất cả các kỹ thuật y tế thì lúc đó mới hy vọng chấm dứt tình trạng “Một bệnh viện 2 chế độ”.

Như vậy, chừng nào còn thiếu các tiêu chí và những quy định cụ thể về điều kiện tổ chức phòng dịch vụ theo yêu cầu thì chừng đó vẫn còn cảnh bệnh nhân phải ở phòng dịch vụ (tương đương chất lượng nhà nghỉ) nhưng giá lại tương đương khách sạn nhiều sao.
 

Theo Văn Hải (VOV.vn)

Nổi bật