Không có nước sạch để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt nên cuộc sống của họ trở nên vô cùng bức bối, khó chịu, nhất là khi thời tiết Hà Nội lại đang có xu hướng nóng dần lên.
Vật vã vì lịch cắt nước "đều như vắt chanh"
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại ngõ 18 phố Hòe Nhai (Ba Đình, Hà Nội), hàng chục hộ dân tại đây đã phải chịu cảnh mất nước 12h/ngày suốt hàng tuần nay. Lịch cắt nước tại khu vực này "đều như cơm bữa" khi ngày nào cũng bị cắt nước từ 6h sáng tới 18h.
"Ngày nào cũng cắt nước từ 6h sáng tới tận 18h. Ban đêm, các hộ dân tranh thủ tích được một ít nước nhưng cũng không ăn thua vì mùa hè, nhu cầu tắm giặt, dùng nước cũng lớn hơn mọi khi", bà Hiệu – một người dân sống tại khu vực này tâm sự.
Bà Hiệu – một người dân sống tại ngõ 18, phố Hòe Nhai. |
Anh Tuấn cho biết, gia đình anh cũng như nhiều hộ dân khác phải hạn chế cả việc đi vệ sinh, tắm rửa hay nấu ăn, giặt giũ". Thế nhưng, dù tiết kiệm hết sức, gia đình tôi vẫn chi hết cỡ 500.000 đồng/ngày để mua nước sạch. Do nhà mình còn kinh doanh nữa nên nếu cứ mất nước đều đều như thế này, tôi sợ phải bỏ nghề buôn bán hàng ăn mất", anh Tuấn nói thêm.
Việc vặn vòi hết cỡ vẫn không có giọt nước nào chảy ra đã trở nên quá quen thuộc với người dân phố Hàng Than. |
Trong khi đó, chị Trịnh Thị Tuyết (Quán Thánh, Hà Nội) chia sẻ, ở khu vực chị sinh sống, ngày nào cũng mất nước sạch suốt 7 tiếng liên tục. "Tôi thấy không gì khổ bằng mất nước sạch. Ai đời tiền mua nước đắt hơn tiền mua đồ ăn. Mỗi ngày, gia đình có vợ chồng và con nhỏ thôi mà riêng tiền nước đã ngót nghét 300.000 đồng".
1.0001 kế tiết kiệm nước
Để "sống sót" qua những ngày mất nước sạch "đều như cơm bữa", người dân ở nhiều quận nội thành Hà Nội đã nghĩ ra đủ cách đối phó, bao gồm cả việc tiết kiệm nước hết mức có thể cho đến việc tái sử dụng nước sinh hoạt.
Quá quen với tình trạng mất nước sạch vào mùa hè, chị Hoàng Thị Dung (hiện đang thuê trọ tại quận Ba Đình) chia sẻ, cứ mỗi khi bị mất nước sạch là chị lại xin làm thêm giờ tại cơ quan. "Như thế vừa kiếm thêm chút thu nhập lại vừa không phải chịu cảnh mất nước sạch nữa", chị Dung cho biết.
Để tiết kiệm, nhiều người còn rửa bát đũa bằng nước vo gạo, rửa rau. |
|
Chút ít nước sạch xin hay mua được chỉ dám dùng để nấu ăn. |
Trong khi đó, chị Tuyết than thở, số tiền 300.000 đồng để mua nước chỉ đủ để ăn, uống. "Riêng chuyện tắm, giặt, ngày nào cũng phải vác đồ đi nhờ nhà hàng xóm, bạn bè đến ngại lắm mà vì tiếc của, cũng chẳng còn cách nào khác".
Chị Tuyết cũng cho biết, chuyện cả khu phố này phải "chạy loạn" khi mất nước sạch đã chẳng còn là điều gì xa lạ. Đặc biệt là vào dịp cuối tuần, rất nhiều hộ phải tản cư, nương nhờ nhà người thân.
Thau chậu luôn được để sẵn dưới vòi nước, chỉ trực chờ có ít nào là người dân sẽ đem vào nhà tích trữ. |
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tổng nguồn cấp nước trên địa bàn Hà Nội rơi vào khoảng 900.000m3/ngày đêm và sẽ tăng thêm được 60.000m3/ngày đêm sau khi hoàn thành một số dự án cải tạo nhằm nâng công suất nhà máy. Tuy nhiên, vào giai đoạn cao điểm nắng nóng trong mùa hè này thì dự kiến nhu cầu dùng nước của người dân sẽ tăng thêm 12% so với bình thường, tương ứng với nhu cầu khoảng 1.020.000 m3/ngày đêm. Bởi vậy mà một số quận nội thành như Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa có thể sẽ có nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng trong các đợt nắng nóng cao điểm sắp tới. Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo nghiên cứu lắp đặt bồn dự trữ tại các khu vực công cộng, nhằm tăng cường nước cho người dân trong những đợt nắng nóng cao điểm. |