Trước tiên, TP.HCM thí điểm mở tuyến xe buýt điện ở khu trung tâm để sau đó có thể cấm, hạn chế một số phương tiện cá nhân vào khu vực nội đô.
Theo Sở GTVT, trước đó lãnh đạo UBND TP đã chỉ đạo việc thí điểm ô tô điện hoạt động theo hình thức buýt tại khu vực trung tâm. “Theo thông tư của Bộ GTVT về điều kiện hoạt động trong phạm vi hạn chế của xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, UBND cấp tỉnh được quy định về tuyến đường, thời gian được hoạt động. Như vậy, UBND TP được phép cho xe chở người bốn bánh có động cơ (kể cả ô tô điện) trong phạm vi hạn chế của khu vực trung tâm” - một cán bộ tham gia soạn thảo tờ trình thông tin.
Theo đề xuất, ban đầu sẽ có 11 xe buýt điện loại 12 chỗ chạy theo lộ trình trong sơ đồ. Ảnh do Sở GTVT cung cấp. (Màu đỏ là lượt đi, màu đen là lượt về) |
“Ngoài ra, Sở GTVT cũng vạch ra lộ trình 2 cùng điểm đầu (Công viên 23-9) và điểm cuối (Thảo Cầm viên) nhưng lộ trình sẽ khác. Cụ thể, tuyến này đi qua khu vực BV Từ Dũ, Hội trường Thành ủy, chợ Tân Định, vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm - Sân vận động Hoa Lư rồi về Thảo Cầm viên (lộ trình 2)” - đại diện Sở GTVT cho biết.
Ở lộ trình thứ 2, xe buýt điện hoạt động chạy theo khu vực ven hành lang phía tây của khu vực trung tâm. Mặc dù số lượng các điểm thu hút hành khách ít nhưng lộ trình tuyến đi qua các đoạn đường hiện nay chưa có xe buýt đi qua. Vì vậy, khi thêm lộ trình này sẽ mở rộng vùng phục vụ, kết nối với các tuyến xe buýt khác và giảm thiểu được độ trùng lắp nhằm tăng khả năng phục vụ hành khách là cần thiết. Nhưng trước mắt, Sở GTVT đề xuất thí điểm xe buýt điện chạy theo lộ trình 1. Sau một thời gian hoạt động, việc thí điểm sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm để mở thêm lộ trình 2.
Xe buýt điện sẽ chạy vòng 930 ha khu vực trung tâm UBND TP đã duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm hiện hữu TP gồm một phần các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh rộng đến 930 ha. Khu vực này được bao bọc bởi đường Nguyễn Hữu Cảnh - rạch Thị Nghè (phía bắc), đường Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu - Cách Mạng Tháng Tám (phía tây), đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Thái Học - cầu Ông Lãnh - đường Vĩnh Phước - Hoàng Diệu và Nguyễn Tất Thành (phía nam) và giáp sông Sài Gòn (phía đông). Nếu đề xuất của Sở GTVT được chấp thuận, lần đầu tiên ở TP.HCM sẽ có xe buýt điện nhỏ gọn, thân thiện với môi trường chạy bao quanh khu vực 930 ha nêu trên. 12.000 đồng là giá vé cho hành khách đi từ một nửa lộ trình đến suốt tuyến. Nếu đi thấp hơn quãng đường trên thì giá vé sẽ là 6.000 đồng/lượt. Giá này không có trợ giá nhưng người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em từ 1,3 m trở xuống sẽ được miễn phí. Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh đã được Sở GTVT xét chọn và đề xuất đầu tư thí điểm tuyến xe buýt điện số 1 vào gần cuối tháng 4-2015. |