Mấy ngày qua, tại các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ liên tục hứng chịu những đợt rét kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Người dân miền Trung quen sống chung với lũ, bão nhưng lại ít kinh nghiệm chống chịu rét đậm. Vì vậy, đợt rét mới đây gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất và chăn nuôi ở các tỉnh Bắc Trung bộ.
Tại tỉnh Quảng Bình, mặc dù rét đậm nhưng người dân đã cố gắng khắc phục thời tiết để đảm bảo sản xuất, lao động. Đường sá ban đêm thưa thớt bóng người nhưng những người lao động nghèo vẫn mải miết mưu sinh. Trời về đêm, nhiệt độ càng xuống thấp, những công nhân môi trường lặng lẽ với công việc của mình. Dù mang thêm nhiều áo ấm, người bán hàng quán ven đường... co ro cạnh bếp than để sưởi ấm chống chọi với những đêm rét, nhẫn nại chờ thực khách.
Chị Lê Ngọc Ánh, bán hàng rong trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết, trời càng ngày càng lạnh, người ra đường ít, thanh niên cũng không đi chơi nhiều, cho nên cũng không bán được hàng.
"Vì mưu sinh của gia đình nên là phải đi, cố gắng để ra đây đi bán, rồi trời lạnh mấy đồ ăn nóng cũng bán được nhiều hơn mấy đồ ăn lạnh, nên là cũng tạm được”, chị Ánh cho biết.
Ở huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị thời tiết giá buốt, nhất là ban đêm và sáng sớm, nhiệt độ dưới 10oC. Anh Hồ Văn Dơn, ở xã Đakrông, huyện Đakrông cho biết anh phải mặc đến 2 chiếc áo ấm. Trời lạnh khiến 2 con của anh bị cảm lạnh kéo dài, chưa khỏi ốm nên không thể đến trường học.
Điều khiến anh Dơn lo lắng là đàn gia súc đang chống chọi với rét. Trong đợt lạnh đầu tiên, anh đưa trâu từ trên đồi về nhà nhốt trong chuồng kín để tránh rét. Ban đêm anh thức canh, đốt lửa sưởi ấm cho đàn trâu và lợn, bỏ thêm rơm, cắt thêm cỏ cho gia súc ăn tăng cường sức chống chịu.
“Năm nay rét rất đậm so với những năm qua. Trên địa bàn đã có rất nhiều trâu, bò chết vì rét đậm. Gia đình tôi rất chăm lo việc đốt lửa sưởi ấm và cắt thức ăn cho bò vì đây là tài sản lớn của gia đình. Phải chủ động làm những việc để sưởi ấm, bảo vệ đàn bò của mình”, anh Hồ Văn Dơn lo lắng.
Trời rét đậm tại khu vực miền núi nhưng người dân chủ quan vẫn chăn thả gia súc tự do, không có chuồng trại nên không thể chống chịu được trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như hiện nay. Chỉ trong vòng chưa đến 2 tháng, tại xã miền núi Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã có trên 90 con trâu, bò bị chết, thiệt hại kinh tế rất lớn.
Rét đậm không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân. Các bệnh viện huyện, bệnh viện tuyến tỉnh đã tiếp nhận hàng trăm lượt người nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, huyết áp, đa số là người già và trẻ em.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Trạm trưởng Trạm Khí tượng tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đợt vừa rồi tại huyện Hướng Hóa xuất hiện đợt rét hại. Nhiệt độ thấp nhất đo được tại trạm Khe Sanh là 8,7oC. Với nhiệt độ như vậy khuyến cáo người dân giữ ấm, đối với việc chăn thả gia súc cần hạn chế, tăng cường giữ ấm chuồng trại để không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp”.
Trong khi đó, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, năm nay thời tiết dị thường nhất từ trước đến nay. Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay, rét đậm, rét hại tại huyện vùng cao A Lưới đã làm hơn 900 gia súc bị chết, trong đó, có hơn 500 con trâu bò, gần 378 con dê.
Từ giữa tháng 12 năm ngoái đến nay, tại vùng cao A Lưới rét đậm rét hại liên tục, có ngày nhiệt độ xuống còn 6-7 độ C. Tập quán chăn nuôi nơi đây là thả rông, đồng bào dân tộc thiểu số lại không dự trữ thức ăn chăn nuôi là nguyên nhân khiến gia súc bị chết nhiều.
Theo ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, các địa phương đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi 17 tấn cám gạo; cử cán bộ nông nghiệp hướng dẫn người chăn nuôi chủ động công tác phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi, khuyến cáo không chăn thả trong những ngày rét đậm, rét hại.
“Chúng tôi cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh có xem xét hỗ trợ cụ thể. Bởi như theo Nghị 02 về việc xem xét hỗ trợ cho nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh thì trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân có sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, khi họ đã thực hiện đầy đủ các biện pháp theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, khi đó mới được xem xét hỗ trợ theo NĐ02. Nhưng ở đây, nhiều trường hợp đã hướng dẫn đưa trâu bò về che chắn chuồng trại nhưng nhiều bà con không thực hiện như vậy”, ông Vang nói.
Tại tỉnh Quảng Nam chưa bao giờ rét đậm như đợt này. Những ngày qua tại nhiều xã vùng cao, biên giới, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hôm qua, 1 trường mầm non ở huyện vùng cao Tây Giang đã cho học sinh nghỉ học, tránh rét.
Bà Lê Kim Vân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang cho biết, đã khuyến cáo các trường mầm non chủ động cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống quá thấp.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 350 ngàn con trâu bò, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi. Đợt rét này gây ảnh hưởng lớn đến các hộ chăn nuôi, đặc biệt là những hộ tái đàn sau những đợt mưa bão cuối năm ngoái. Che chắn chuồng trại, dự trữ rơm rạ, đốt lửa sưởi ấm cho gia súc… là cách mà các hộ chăn nuôi ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đang làm để bảo vệ đàn trâu, bò hiện nay.
Theo PV (VOV)