Cái “ngẫu nhiên” trớ trêu của những trùng hợp cười ra nước mắt ở nước ta lại vừa được dịp để “thăng hoa”.
Hãy đọc những dòng tin trên báo chí để “thử” cái độ lạnh sống lưng của nỗi sợ, cái độ toát mồ hôi của tức tối:
Mỗi năm cả nước có 75.000 người chết vì ung thư tức là 50% tổng số người mắc bệnh ung thư hàng năm; tính ra, cứ mỗi ngày có 410 người bị nhiễm bệnh ung thư và 205 người chết!
![]() |
Tin gây chấn động tất cả các dây thần kinh của 90 triệu người dân là thành phố Hải Phòng đề xuất xây trụ sở hết gần 10.000 tỉ đồng - trong đó, tự nghĩ rằng sẽ xin Trung ương 80% kinh phí!
Đọc đến đây, chắc hẳn bạn đọc muốn hỏi rằng tại sao lại bàn về hai vấn đề chẳng liên quan gì đến nhau?
Xin thưa, hai chuyện trên thoạt nhìn giống như sừng và đuôi nhưng lại giống nhau đến mức lạ kỳ: Bệnh ung thư và các trụ sở nở rộ, lỗi chủ yếu là do... con người.
“Con người” ở đây, dĩ nhiên không phải là những người khổ nghèo, đói rách mà chính là những người có trách nhiệm quản lý, điều hành xã hội.
Cái sự “giống” cụ thể, hiển nhiên của vấn đề chính là thói vô cảm, thiếu trách nhiệm trước nỗi đau và sự khó nhọc của người dân, trong khi hàng triệu người dân nộp thuế phải chịu đớn đau, tủi cực...
Không ít kẻ đã “quy tội” cho sự kém hiểu biết hoặc hám lợi của người dân; kiểu như “ngu thì chết”.
|
Chuối được làm chín bằng thuốc diệt cỏ khiến ai nấy đều rùng mình |
Thế nhưng, nếu xét tổng thể và triệt để, cái sai của những người nông dân nghèo khổ ấy chưa đáng là bao so với cái sai của người có trách nhiệm!
Thử nghĩ xem, quả lê, quả táo xuất xứ từ Trung Quốc từ khi mua đến khi “biết” rằng để lâu cả trăm ngày vẫn còn tươi như mới hái, thì trách nhiệm của hải quan, kiểm dịch ở đâu?
Hàng triệu tấn hàng đi qua biên giới không được kiểm soát chặt, phá đi nhiều cố gắng của doanh nghiệp, đẩy hàng vạn công nhân ra đường, hãm hại lâu dài sự phát triển của đất nước, chỉ có một cái tên thủ phạm thôi, đó là buôn lậu, ai cũng biết mà chẳng ai làm gì được?
Tại sao không nghĩ thêm rằng Trung Quốc có 15 nước láng giềng mà chỉ riêng Việt Nam là nước phải chịu nhiều thiệt thòi nhất, nhiều cay đắng nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm?
Tất cả các loại thuốc kích thích, tăng trưởng độc hại hầu như duy nhất chỉ có một nguồn là chúng vào từ phương Bắc. Nếu bộ máy quản lý lo thắt ruột cho dân, thì làm sao hàng ngàn tấn cả chua ấy hay hàng trăm tấn hóa chất độc hại có thể múa võ giữa đời sống?
Ngâm chuối vào hóa chất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hàng vạn con người mà chỉ phạt có 6,5 triệu đồng thì phải hiểu sao đây? Chẳng lẽ mỗi mạng người rẻ đến thế sao?
Những chế tài chưa đủ sức răn đe, chưa kể đội ngũ “thi hành án” vẫn có những con sâu đi bằng những bước chân xiêu vẹo, chỉ cần một đợt gió kim tiền là thổi bay tung mọi sự trừng phạt, thì làm sao không nhiễu, không nhương?
Cách quản lý và chế ngự tội ác như thế chẳng khác chi cách tiêu tiền khi xây trụ sở hoành tráng. Một đằng thì đánh thẳng vào sức khỏe, tính mạnh của người dân; một đằng thì vắt kiệt sức dân.
|
Phối cảnh trung tâm hành chính-chính trị mới của TP. Hải Phòng tại bờ Bắc sông Cấm (thuộc huyện Thủy Nguyên và quận Hồng Bàng). |
Cứ làm thế, rồi một ngày, chúng ta lại kêu lên: Tụt hậu ngay cả với... nước Lào?
Không ai chịu nghĩ rằng TT Mỹ bao đời nay vẫn chỉ dùng cái bàn cũ kỹ lấy từ một chiếc tàu của người Anh, được nước Anh tặng vì họ coi trọng giá trị bền vững của lịch sử còn tốt hơn mọi sự hào nhoáng theo cung cách trưởng giả hoặc làm sang.
Nếu học theo mấy tỉnh kia, e rằng trụ sở của TT Hoa Kỳ đã xây đi xây lại vài chục lần!
Có bài viết, khi bàn về sự tràn lan của độc tố trong thực phẩm có cách dùng từ thật hay khi cho rằng, muốn sống, phải phát minh hay mua về cái "máy thử tội ác".
Cụm 4 chữ xót xa ấy nó phản ánh đủ đầy, rõ ràng sự xuống cấp đạo đức của toàn xã hội.
Xét cho cùng, khi người dân còn khổ cực, năm nào cũng xin hàng ngàn tấn gạo cứu đói thì lấy gì để thử cái sai lầm?
Nhiều tấn hóa chất độc hại cứ tung tẩy, nghênh ngang khắp chợ, khắp đường mà vẫn không bị chặn đứng, thì cái bàn cân để cân “quá tải” nào cân cho nổi?
Theo Hà Văn Thịnh (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)