Chiếc máy bay Boeing 727-200 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ, từng thuộc hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia, khai thác tuyến Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội vì sự cố đã đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ tháng 5/2007.
Ủy ban nhà nước về hàng không dân dụng Campuchia sau đó đã thông báo việc giấy chứng nhận khai thác máy bay của hãng hàng không Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi. Chiếc máy bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia và Việt Nam có thể xử lý tàu bay này theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Liên quan đến chiếc máy bay này, ông Vũ Ngọc Kiệm, Phó giám đốc cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cho biết sân bay Nội Bài thường xuyên đón tiếp các nguyên thủ quốc gia và có số lượng hành khách qua cảng lớn, điều kiện sân đỗ tàu bay còn hạn chế. Do đó, việc máy bay Boeing 727-200 bị bỏ lại gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và thiệt hại kinh tế không nhỏ cho cảng.
"Suốt từ thời điểm máy bay bị bỏ lại đến nay, cảng hàng không quốc tế Nội Bài vẫn phải duy trì việc bảo vệ và đảm bảo an ninh đối với tàu bay này không khác gì các tàu bay đỗ lại vì lý do kỹ thuật", lãnh đạo sân bay Nội Bài nói.
Theo tính toán của ông Kiệm, tổng tiền dịch vụ từ thời điểm ngày 1/12/2017 đến thời điểm 23/4/2018 đã lên tới hơn 832 nghìn USD. Trong đó có 753,8 nghìn USD là tiền dịch vụ đậu sân bay, tiền dịch vụ bảo vệ tàu bay là hơn 78,9 nghìn USD. Từ ngày 24/4/2018 đến nay không tính phí sân đậu vì máy bay đã được di dời ra vị trí đỗ mới, ngoài sân đậu.
Được biết, chi phí di dời chiếc máy bay Boeing 727-200 ra vị trí đỗ mới, ngoài sân đậu cũng đã tốn hơn 480 triệu đồng.
Dù "ngốn" hàng chục tỷ đồng tiền chi phí dịch vụ, tuy nhiên Cục Hàng không Việt Nam cho rằng cơ quan này không đủ chức năng và thẩm quyền để thẩm định, công nhận hay phê duyệt do các chi phí chi tiết được cảng hàng không quốc tế Nội Bài tính toán.
Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết từ ngày 10/1/2017, khi máy bay được xác lập quyền sở hữu nhà nước thì việc tính chi phi sân đậu tàu bay (theo tải trọng cất/hạ cánh) và tiền bảo vệ tàu bay tại cảng với tàu bay không ở tình trạng khai thác và cung cấp dịch vụ vận chuyển là không hợp lý.
Hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam cho biết có 2 phương án xử lý chiếc máy bay "vô chủ" này là đấu giá hoặc giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Với phương án đấu giá, Cục Hàng không Việt Nam cho biết cơ quan này không có đủ điều kiện, chức năng để thực hiện xác định giá khởi điểm của tài sản cũng như bán đấu giá mà phải thuê một đơn vị định giá độc lập.
Với phương án giao cho ACV, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng đơn vị này hiện là “chủ nợ” của khoản chi phí dịch vụ sân đậu tàu bay và tiền bảo vệ tàu bay, do vậy sẽ được ưu tiên trong danh sách chủ nợ được thanh toán. Trước đó phía ACV cũng có đề xuất được phép sử dụng máy bay này làm mô hình phục vụ thực hành, đào tạo, huấn luyện nhân viên an ninh hàng không, diễn tập khẩn nguy cứu hỏa, phòng chống khủng bố…
Sau 12 năm, chiếc máy bay Boeing 727-200 đang bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng. Một chuyên gia hàng không nhận định máy bay như Boeing B727-200 nếu phá ra chỉ bán sắt vụn cũng đã thu được số tiền 10 tỷ đồng.
Theo Chí Bình (Vietnamfinance.vn)