Máy bay phải diệt muỗi trước khi đến Tân Sơn Nhất

06/04/2016 14:23:01

Để tránh ca bệnh Zika xâm nhập vào Việt Nam, Sở Y tế TP HCM đã yêu cầu các hãng hàng không chủ động phun hóa chất diệt muỗi trên máy bay trước khi đến Tân Sơn Nhất.

Để tránh ca bệnh Zika xâm nhập vào Việt Nam, Sở Y tế TP HCM đã yêu cầu các hãng hàng không chủ động phun hóa chất diệt muỗi trên máy bay trước khi đến Tân Sơn Nhất.

Theo lãnh đạo của Sở Y tế TP HCM, các hãng bay phải phun thuốc diệt muỗi đối với các chuyến xuất phát từ vùng có dịch Zika hoặc trên máy bay có hành khách đến từ vùng dịch trước khi nhập cảnh vào Việt Nam.
 
Trong thông báo khẩn vừa phát đi, Sở yêu cầu Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế xây dựng kế hoạch phòng, chống virus Zika. Khi phát hiện hành khách đến từ vùng dịch nghi nhiễm bệnh, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với trung tâm cấp cứu 115, Trung tâm Y tế dự phòng TP, Trung tâm truyền thông - giáo dục sức khỏe đưa hành khách về Bệnh viện Nhiệt đới để khám và điều trị.
 

Phun thuốc diệt muỗi ở TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng.

Ngoài ra, ngành y tế còn giám sát việc thực hiện vệ sinh khử khuẩn trên máy bay và trong khu vực Tân Sơn Nhất nhằm hạn chế lây nhiễm. Truyền thông cho hành khách về cách nhận biết và phòng chống lây nhiễm dịch do virus Zika gây ra.

Sau khi Bộ Y tế công bố 2 ca dương tính virus Zika, Trung tâm y tế dự phòng TP HCM đã cho phun thuốc diệt muỗi quanh khu vực có bệnh nhân trong vòng bán kính 200 m.

Theo đó, trung tâm này đã đưa nhân viên cùng thiết bị phun thuốc diệt muỗi đến tòa nhà PetroVietnam (đường Lê Duẩn, quận 1), nơi bệnh nhân nữ dương tính với virus Zika đang làm việc. Nhân viên y tế phun thuốc ở tầng hầm, khuôn viên tòa nhà và tuyến đường Lê Duẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1).

Trung tâm Y tế Dự phòng quận 2 cũng phun thuốc diệt muỗi trong bán kính 200 m quanh nhà nữ bệnh nhân ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2.
 

Sáng 5/4, Bộ Y tế công bố hai ca bệnh đầu tiên nhiễm virus Zika tại Việt Nam là phụ nữ 64 tuổi ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) và thai phụ 33 tuổi ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 TP HCM.

Nữ bệnh nhân tại Khánh Hòa chưa từng đến vùng có dịch và không tiếp xúc với khách nước ngoài. Còn bệnh nhân thứ hai mang thai 8 tuần có chồng làm việc ở Maylaysia về Việt Nam được 14 ngày nhưng anh này không có biểu hiện nhiễm bệnh.
 
>> Bộ Y tế khuyến cáo "không phải cứ mang thai bị Zika là sinh con đầu nhỏ"
>> Việt Nam khuyến cáo thai phụ hoãn du lịch đến vùng có virus Zika
>> WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika
>> Vi rút Zika gây tật đầu nhỏ có thực sự đáng sợ?
>> Virus ăn não người nguy hiểm như thế nào khi vào Việt Nam?
 
Theo Khánh Trung (Zing.vn)