Máy bay Boeing bị “bỏ rơi” 10 năm ở Nội Bài có giá như... sắt vụn?

10/02/2017 13:53:00

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định chiếc Boeing 727 của Campuchia bị “bỏ rơi” 10 năm ở sân bay Nội Bài - Hà Nội nay đã hết khả năng bay và không thể khôi phục. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế hàng không cho rằng, chiếc Boeing này chỉ có giá trị... sắt vụn!

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định chiếc Boeing 727 của Campuchia bị “bỏ rơi” 10 năm ở sân bay Nội Bài - Hà Nội nay đã hết khả năng bay và không thể khôi phục. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế hàng không cho rằng, chiếc Boeing này chỉ có giá trị... sắt vụn!

Chiếc Boeing B727 có hình ảnh nhận diện với nửa thân dưới và phần đuôi được sơn màu đỏ, nửa thân trên màu trắng với dòng chữ Air Dream, bị “bỏ rơi” ở sân bay quốc tế Nội Bài từ năm 2007 đến nay vẫn không có ai nhận. Đây là loại máy bay hành khách dân sự có 3 máy phản lực đuôi đầu tiên trên thế giới, chở được tối đa 134 hành khách.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo xác lập quyền sở hữu Nhà nước và phương án xử lý đối với máy bay Boeing 727 - 200 của Campuchia bị bỏ tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - Hà Nội từ năm 2007 đến nay. Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc bán đấu giá tài sản theo đúng quy định pháp luật. Việc quản lý số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản sau khi trừ chi phí liên quan (nếu có) được nộp vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp số tiền thu được từ bán đấu giá không đủ để thanh toán các khoản chi phí, Bộ Giao thông vận tải đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo quy định.

 Chiếc Boeing 727 bị bỏ rơi ở Nội Bài suốt 10 năm không ai nhận giờ chỉ có giá như sắt vụn? (ảnh: Báo Giao thông)
Chiếc Boeing 727 bị "bỏ rơi" ở Nội Bài suốt 10 năm không ai nhận giờ chỉ có giá như sắt vụn? (ảnh: Báo Giao thông)

Chủ trương bán đấu giá theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhưng việc bán đấu giá chiếc Boeing 727 dường như không phải chuyện đơn giản bởi giá trị kinh tế của chính máy bay là không có.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - khẳng định: “Máy bay Boeing 727 bị “bỏ rơi” 10 năm ở sân bay Nội Bài - Hà Nội đã hết khả năng bay và không thể khôi phục. Giá trị bán đấu giá thì không rõ”.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Lương Hoài Nam - Tiến sĩ kinh tế hàng không ở Nga - cho rằng: “Chiếc Boeing 727 nằm ở sân bay Nội Bài 10 năm qua đến nay chỉ có giá trị như... sắt vụn. Nếu chiếc máy bay còn giá trị kinh tế thì chủ sở hữu trước đó đã đem chiếc máy bay đi chứ không bỏ lại tại Nội Bài”.

Theo chuyên gia Lương Hoài Nam, việc bỏ lại chiếc máy bay không còn giá trị kinh tế tại Nội Bài không khác gì việc “đổ rác sang nhà người khác”. Khi giá trị máy bay chỉ như sắt vụn thì khó nói số tiền thu được là bao nhiêu khi bán đấu giá, chiếc máy bay này chỉ có thể sử dụng để vui chơi giải trí.

Sẽ bán đấu giá như thế nào?

Đơn vị trực tiếp thực hiện bán đấu giá chiếc máy bay là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - Bộ Giao thông vận tải. ACV có thể tự thực hiện việc bán đấu giá hoặc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản. Sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến việc bán đấu giá, nếu còn tiền thì số tiền này sẽ được nộp cho ngân sách trung ương.

Theo dự thảo kế hoạch bán đấu giá máy bay Boeing 727 của Bộ Giao thông vận tải, kinh phí bán đấu giá do ACV tạm ứng chi trả và sẽ được hoàn lại sau khi kết thúc việc bán đấu giá. Tiền bán đấu giá sẽ được thanh toán lần lượt theo thứ tự ưu tiên sau: Án phí và các chi phí cho việc thi hành án, xử lý tài sản bảo đảm bằng việc bán đấu giá tàu bay; Tiền công gìn giữ, cứu hộ tàu bay và các chi phí có liên quan; Các khoản nợ về thuế, lệ phí, phí; Các khoản nợ về các quyền, lợi ích đối với tàu bay được đăng ký hoặc theo bản án, quyết định của toà án; Các khoản khác theo thoả thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo kế hoạch bán đấu giá gửi Bộ Tài chính phê duyệt. Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất cơ chế để ACV được phép thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá để xác định giá khởi điểm trên cơ sở căn cứ vào tình trạng kỹ thuật của máy bay này.

Được biết, cuối năm 2015, Học viện Hàng không Việt Nam từng có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất xin chiếc máy bay vô chủ này để làm giáo cụ thực hành, thực tập nhưng không được chấp thuận vì không đủ căn cứ pháp lý.

Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, chiếc Boeing B727 của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines - Campuchia mang số hiệu đăng ký XU-RKJ. Sau khi khai thác được vài chuyến bay trên chặng Siêm Riệp - Hà Nội thì gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007.

Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia đã có phản hồi bằng thông báo khẳng định giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi, đồng nghĩa với việc máy bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Cơ quan này đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xử lý chiếc máy bay Boeing 727 theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)