Tôi dự khá nhiều hội thảo quốc tế có khách Việt Nam tham gia. Họ thường tìm hàng ghế cuối để ngồi im, không tranh luận, mặc dầu cũng biết nhiều nhưng… "không thích nói!".
Thuở nhỏ được ông bà, cha mẹ dạy không được nói leo. Tới lớp và sau này thành cán bộ dường như đó là tôn ti trật tự, thói quen ấy tôi mang đi khắp thế giới.
Hồi mới sang làm việc bên Mỹ (2004) tôi bị choáng vì khi họp các đồng nghiệp thi nhau phát biểu, dường như không có lúc nào dứt để mình có thể nói được điều gì, một phần do tiếng Anh kém, do văn hóa Á Đông "im lặng là vàng", một phần do ngại nói chứ trong đầu có nhiều thứ để chia sẻ, đôi lúc ngứa tai vì bạn nói sai.
Thời gian qua hai năm mà mình chỉ nói được vài lần, mỗi lần vài phút do bị sếp "truy sát". Trong kỳ họp tổng kết về chất lượng công việc, sếp góp ý rằng tôi có vấn đề về giao tiếp. Choáng toàn tập vì chẳng gì mình cũng phụ trách 50-60 nhân viên IT trải rộng trên 13 nước Đông Á và cả ở Washington DC, thôi thì hứa cố vậy, tập viết, tập nói mạnh dạn hơn.
Tiến sỹ Giang Công Thế (hàng ngồi, ở giữa) cùng một nhóm IT khu vực Đông Á-TBD của Ngân hàng thế giới mà ông phụ trách. |
Năm sau có hội thảo IT của WB có 300 đại diện từ DC và 80 nước tham dự, bà giám đốc nhân sự lên thao thao về khả năng thăng tiến của nhân viên IT, nhất là từ các nước thường bị "bỏ rơi". Ví von sự nghiệp như trong cái xe hơi, người đi nhờ ngồi ghế và lái xe (chỉ huy) đưa đến đích, trong khi khách trong khoang có thể vươn lên thành lái xe, và bà hứa sẽ tạo thời cơ những ai vươn lên.
Ở Mỹ kha khá, tôi hiểu ngay kiểu "chém gió" lọt tai người nghe, nhưng trong thực tế, số được nâng đỡ không nhiều, hội thảo xong mọi việc lại đâu vào đó.
Liều mạng đứng lên giữa hội trường đủ các quan khách và các đồng nghiệp IT từ các nước đến Mỹ, giọng hơi run vì ít khi nói trước đám đông, tôi nói ngắn. Để cho chất lượng IT phục vụ tốt hơn, ngoài chuyện giúp cho các bạn ở Washington có môi trường tốt mà cần sự công bằng đối với các bạn từ các nước, họ mới là những người gần gũi khách hàng nhất. Thách thức đối với bà bên nhân sự là làm sao giúp các bạn đang ngồi ở khoang hành lý, ý nói dân IT từ các nước khu vực, lên được khoang có ghế ngồi đã là tốt lắm rồi.
Hội trường hoan hô rầm rầm. Hóa ra phát biểu không khó. Hai ông sếp ra bắt tay và khen, hóa ra anh biết nhiều, sao anh lại ít nói. Từ đận ấy, tôi luôn tìm cách phát biểu chính kiến của mình. Trong cuộc họp thấy tôi không nói gì là sếp đùa, thế là mọi việc ổn.
Phao và nền giáo dục
Một lần về thăm quê, nghe đứa cháu đang học lớp 8 kể chuyện một bác cán bộ cấp cao của tỉnh đến thăm trường, "lúc lên phát biểu lại dùng phao (!)". Hỏi ra mới biết, bác này đã lấy trong túi áo ngực bài chuẩn bị sẵn để đọc và hành động này được các cháu quy là "giở phao".
Các chính khách ngoại giao cần nói chính xác từng câu, từng chữ để khỏi ảnh hưởng đến thể diện quốc gia, nên dùng giấy tờ để đọc có thể hiểu được. Nhưng, một cán bộ cấp tỉnh đến một trường phổ thông, trước mặt các học sinh đáng tuổi con cháu mình mà cũng dùng phao thì hỏi khi nào thế hệ trẻ sẽ thôi bắt chước.
Điều cháu nói dễ nhận ra ở Việt Nam mình chuyện đó là thường. Ở nhiều cuộc họp, hội thảo và hội nghị, các vị khách mời nếu được mời phát biểu, rút bài in sẵn trong túi ra để đọc một lèo và đợi… hoan hô. Dùng "phao" là cách an toàn vì không bao giờ sợ sai.
Tôi dự khá nhiều hội thảo quốc tế có khách Việt Nam tham gia. Họ thường tìm hàng ghế cuối để ngồi im như thóc, không tranh luận, mặc dầu cũng biết nhiều nhưng… "không thích nói!".
Người Việt kém tự tin khi phát biểu trước đám đông phải chăng do giáo dục gia đình, nhà trường hay do nền văn hóa phương Đông "cứ phải im lặng thế?". Trong khi người nước ngoài có thể nói thao thao bất tuyệt, nhớ các con số vanh vách mà chẳng cần giấy tờ gì cả. IQ của họ hơn hay chỉ vì cách giáo dục của họ khác?
Chuyện cậu bé 4 tuổi và hành trình đến trường
Hồi đó tôi có cậu con trai 4 tuổi nhưng rất lười ăn. Mỗi lần, cháu không chịu mở miệng để ăn thì mẹ cháu hay cô giúp việc lại dọa "không ăn, ông ba bị đến bắt bây giờ". Hoặc tối đi ngủ, bà nội dọa cháu "không lên giường, ma nó bắt đi đấy" nên cháu rất sợ vào chỗ tối.
Cháu bị cấm không được nói leo; không nghe lời sẽ bị dọa, thậm chí bố mẹ cho vài cái bạt tai… Đi đến đâu, cháu cũng không tự tin, chào hỏi ai đều lí nhí, luôn khép nép sợ sệt. Nhưng nhiều người bạn đến chơi đều khen: "Anh chị có đứa con ngoan, biết nghe lời".
Đi nhà trẻ ở quận Tây Hồ nhưng mỗi buổi đưa cháu đến trường là cả một kỳ công gian nan với gia đình tôi. Dọc đường, cháu khóc lóc, lèo nhèo và không quên "mặc cả": "Chiều bố đón sớm nhé!". Đang khóc thế, nhưng thấy cô giáo ra đón là nín bặt và cúi đầu vào lớp. Thỉnh thoảng cháu kể cho tôi: "Bạn Hoàng Dương bị cô giáo quát" hoặc "Bạn Phong bị véo tai"…
Viết câu chuyện trên đây, tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình vào những năm 60 thế kỷ trước, đi học sợ thầy, viết sai bị vụt vào tay có lần gẫy cả thước lim, mất trật tự bị phạt đứng khoanh tay trong xó hoặc quỳ ngoài nắng.
Do điều kiện công tác biệt phái xa Hà Nội, tôi mang gia đình sang Mỹ. Lúc đó cháu 5 tuổi, học trường mẫu giáo của Virginia. Lần đầu đưa cháu đi học, tôi rất lo sẽ lại nhút nhát, sợ cô giáo, không biết tiếng Anh, không hiểu cô giáo và các bạn đều mới lạ.
Nhưng, thật ngạc nhiên. Ngày đầu đi học về, cháu lại hỏi tôi: "Mai con có được đi học nữa không bố?". Phải nói thêm là điều kiện vật chất của các trường mẫu giáo ở Mỹ cũng khá hơn ở Hà Nội, nhiều đồ chơi, sách vở và xếp hình, nhưng không đến mức "một trời một vực" như ta tưởng. Thậm chí, một số trường mẫu giáo tư nhân của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh còn đẹp hơn trường công bên Virginia.
Cháu đi học được hơn một tháng, tôi hỏi "Sao con thích học? Ở đây nhiều đồ chơi hơn?". Cháu hồn nhiên: "Vì cô giáo không mắng hay phạt tường".
Năm đó chuẩn bị vali đi công tác về Hà Nội, tôi rủ đùa: "Con có về Việt Nam thăm bà không?". Cháu nhất định không chịu đi vì còn sợ "đi học ở Việt Nam cô giáo hay quát. Cô Jennifer ở đây lúc nào cũng cười, cầm bút tay trái không bị vụt vào tay". Nếu được nghỉ học vài ngày, nhớ trường lớp, cháu lại hỏi "bao giờ con lại đi học?"
Trong ba lô của cháu ngoài bài tập về nhà, còn có thư từ trao đổi giữa cô giáo và bố mẹ. Cháu làm gì tốt hoặc cần cải thiện sẽ được phản ánh trong thư để gia đình và nhà trường cùng hợp tác tốt hơn.
Nếu cháu nào thích cầm bút tay trái thì các cô cũng không can thiệp. Cần phải chuyển sang tay phải thì các cô sẽ tư vấn bố mẹ và bác sỹ trước khi khuyên cháu đổi tay. Họ không muốn "bố mẹ khuyên một đằng, thầy cô dạy một nẻo". Nếu ta để ý thì các ông Lincoln, Reagan hay Clinton và rất nhiều chính khách quốc tế vẫn dùng bút tay trái, họ vẫn làm được Tổng thống nước Mỹ.
Hàng tuần có những buổi học mà các em đứng lên trình bày các vấn đề trước lớp, cô khen nếu thấy ý kiến trái ngược. Cách đó giúp các cháu tự tin và hồn nhiên kể chuyện trước đám đông.
Hàng năm, cơ quan tổ chức cho con em đến đây tham quan để các cháu hiểu bố mẹ hơn. Bác giám đốc tiếp và hỏi từng cháu sau này lớn lên muốn làm gì. Có cháu nói muốn làm phóng viên quốc tế CNN để sang Tây Tạng, Trung Quốc hoặc trở thành lính cứu hỏa ở New York. Một cháu bé 7 tuổi thì lại dõng dạc hỏi bác giám đốc "Làm thế nào để cháu có thể thay bác được?"
Con trai tôi sau gần một năm học ở đây đã mạnh dạn hơn nhiều, vào chỗ tối cũng không sợ. Nếu tôi dọa "ma" thì cháu đã nhắc "không có ma" hoặc "ma cũng không sợ".
Im lặng có nhất thiết là... vàng?
Tôi rất mừng vì các em học sinh ngày nay tự tin hơn thế hệ chúng tôi. Nhìn các em tham gia "Đường lên đỉnh Olympia" đàng hoàng, thông minh trước ống kính tivi và đám đông xa lạ mà trả lời đâu vào đấy, thấy tự hào và dấy lên niềm hy vọng vào thế hệ tương lai. Tuy nhiên, số ấy chưa phải là nhiều.
Cứ im lặng mãi theo kiểu phương Đông sẽ không ổn. Họ thấy mình không nói, đoán là "anh chàng này hoặc là không biết gì hoặc anh ấy không quan tâm".
Tạo môi trường để các cháu có tính tự tin và khả năng diễn đạt trước đám đông ngay từ bé |
Cách giáo dục trong nhà trường và gia đình cần tạo môi trường để các cháu có tính tự tin và khả năng diễn đạt trước đám đông ngay từ bé. Chúng ta không nên dọa dẫm trẻ em vì sẽ dẫn đến tình trạng các cháu lớn lên đi đâu cũng sợ và phải im lặng "theo truyền thống". Hội nhập, nhưng đi đâu cũng im vì chẳng biết nói gì, làm gì cũng sợ.
Ước mong một ngày nào đó, thế hệ sau sẽ ra nước ngoài tự tin hơn, nói năng thông minh và mạch lạc trong các hội nghị quốc tế, để tri thức của người Việt được thế giới biết đến.
Vì lần lên tiếng trước cuộc họp mấy trăm người và sau đó có những sáng tạo về chính sách IT ảnh hưởng cả World Bank mà các sếp đánh giá rất cao, năm đó được nâng bậc, con đường rộng mở vì tôi nghĩ lại chuyện "nghe lời người trên" trong đó có "im lặng không còn là … vàng."
Theo Hiệu Minh (Trí Thức Trẻ)