Trao đổi với PV Tiền Phong sáng 29/5, ông Tạ Quang Sơn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải cho biết, ví trí mặt cầu Long Biên bị thủng vào ngày hôm qua là một tấm đan sắt có đường kính dài khoảng 1 mét, rộng khoảng 0,6 mét. Tấm đan có nhiệm vụ đỡ mặt cầu đã bị bong khỏi vị trí gắn kết, sự cố đã tạo ra một lỗ thủng trên mặt cầu, giao thông tại vị trí xảy ra sự việc cũng như quá trình Cty khắc phục sự cố đã bị gián đoạn.
Cho ý kiến về nguyên nhân sự việc, ông Sơn cho biết: Cầu Long Biên đã xây dựng và khai thác được 121 năm, đã quá tuổi sử dụng cho giao thông. Vậy nhưng, hiện mặt đường hai bên cánh gà cầu Long Biên vẫn đang làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông cho xe máy qua lại, mật độ rất đông. Hiện đường 2 bên cánh gà cầu Long Biên cấm ô tô, xe ba bánh (phương tiện có trọng tải lớn) đi qua, nhưng nhiều xe ba bánh vẫn phớt lờ quy định này, chở hàng nặng đi qua cầu.
“Sự cố sụt tấm đan mặt cầu ngày 28/5, qua nắm bắt thông tin ban đầu của nhân viên tuần đường có thể do một xe ba bánh chở hàng nặng chạy qua, dẫn đến thủng mặt cầu”, ông Sơn thông tin.
Theo ông Sơn, ngay trong trưa qua, đơn vị đã thay tấm đan khác tại vị trí xảy ra sự cố và duy trì giao thông trở lại bình thường.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về việc đảm bảo an toàn giao thông trên mặt cầu cũng như giao thông thủy bên dưới, ông Sơn cho biết, hiện Cty đang kiểm tra, rà soát toàn bộ các tấm đan đỡ mặt cầu. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện vị trí nào xung yếu, có nguy cơ mất an toàn đơn vị sẽ thay thế ngay.
Khoảng 10h ngày 28/5, mặt cầu Long Biên xuất hiện lỗ thủng lớn, có thể nuốt chửng cả bánh xe máy và người đi bộ xuống bên dưới. Vị trí sự cố nằm gần giữa cầu, trên chiều đường trung tâm thành phố sang quận Long Biên. Sau khi sự việc xảy ra, giao thông tại đây đã bị phong tỏa.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, được xây dựng từ thời thuộc Pháp và đưa vào sử dụng năm 1902, đến nay cầu đã có tuổi thọ 121 năm. Hiện mặt đường bộ 2 bên cánh gà chỉ sử dụng cho xe máy, xe thô sơ qua lại, cầm cấm ô tô, xe ba bánh. Cầu dài 1,6 km. Gần 10 năm nay cầu chưa được đại tu (sửa chữa lớn). Việc duy tu sửa chữa của đơn vị quản lý, bảo trì chỉ dừng ở việc sửa chữa nhỏ (hỏng đâu sửa đấy), chưa có dự án sửa chữa tổng thể, chủ động ngăn chặn các hư hỏng đột xuất có thể xảy ra.
Tháng 4/2021, mặt cầu hai bên cánh gà cầu Long Biên cũng xuất hiện nhiều vị trí bị thủng và rạn nứt, bong tróc trơ lõi thép. Trả lời PV Tiền Phong khi đó, cả lãnh đạo Cty Đường sắt Hải Hà và lãnh đạo Tổng Cty Đường sắt Việt Nam đều cho biết, do chậm nhận được tiền bảo trì theo định kỳ nên việc duy tu, sửa chữa hư hỏng mặt cầu bị ảnh hưởng.
Theo Trọng Đảng (Tiền Phong)