Theo thông tin từ Dân Trí, chiều 16/2, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Vĩnh Phúc đã trao số tiền bồi thường oan sai gần 1,7 tỷ đồng cho gia đình ông Trần Trung Thám (đã mất năm 1980).
Bà Trần Thị Thắm (SN 1943, trú tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) - vợ ông Thám là người nhận số tiền trên.
Trước đó, sáng 15/2, VKSND Vĩnh Phúc cũng đã trao số tiền bồi thường oan sai gần 1,1 tỷ đồng cho gia đình ông Trần Ngọc Chinh (82 tuổi, cùng trú địa chỉ trên).
Sau khi nhận số tiền gần 1,1 tỷ đồng ông Chinh phần nào được cảm thấy an ủi vì những mất mát mà ông đã phải gánh chịu khi ngồi tù oan.
Mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Chinh vẫn nhớ rõ vào ngày mùng 3/3/1980 bị bắt về tội giết người và đến ngày 13/10/1982, ông được trả tự do. Ngày bị bắt, vợ chồng ông có 5 người con, khi đó con lớn 14 tuổi còn con út mới được 1 tuổi.
"Khi bị bắt tôi đã có 5 người con, sau này trở về tôi có thêm 2 cháu nữa, tổng cộng 7 đứa. Đến nay, các con đều đã lập gia đình, cháu chắt hơn 30 đứa", ông Chinh kể và cho biết, hiện đang ở cùng người con thứ 3 là anh Trần Xuân Quý nhưng do mắt kém, bị bệnh khớp nên con, cháu phải thường xuyên chăm sóc.
Sau khi nhận được số tiền bối thường trên, ông Chinh bày tỏ, trước đây đi kêu oan ở nhiều nơi được mọi người trong thôn giúp đỡ nên thời gian tới sẽ làm cỗ để cảm ơn họ.
Tiền Phong cho hay, theo nội dung vụ án, năm 1980, ông Chu Văn Quản (Bí thư Chi bộ thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, H.Sông Lô) bị sát hại. Vào cuộc điều tra, cơ quan công an khởi tố, bắt giam 4 bị can, gồm các ông Nguyễn Đình Ký, Trần Ngọc Chinh, Trần Trung Thám và Khổng Văn Đệ.
Quá trình giam giữ, ông Thám tử vong vì bệnh. Năm 1983, TAND tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) xác định chỉ một mình bị cáo Ký gây án nên tuyên phạt chung thân về tội giết người, 3 người còn lại không liên quan đến vụ án nên được đình chỉ điều tra.
Tuy nhiên, cũng kể từ đây, không có bất cứ quyết định chính thức nào khẳng định ba ông bị oan. Tai tiếng giết người đằng đẵng đeo bám các ông cùng gia đình.
Trao đổi với Dân Trí, ông Chinh cho biết, thời điểm mới bị bắt, gia đình đã xác định ông bị oan nên viết đơn cầu cứu đi khắp nơi. Đến khi ra tù, ông Chinh và bố đẻ tiếp tục viết đơn kêu oan gửi các cấp nhưng mãi không có hồi âm.
Năm 2017, ông tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương. Đến ngày 9/10/2019 VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các cơ quan có liên quan đã tổ chức buổi cải chính, xin lỗi công khai đối với ông và 2 cụ ông khác.
Đến tháng 10/2019, tức 39 năm sau, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc mới tổ chức xin lỗi công khai đối với những người bị hàm oan.
NT (Nguoiduatin.vn)