Anh Phạm Quân, công nhân xuất khẩu lao động tại Nhật |
“Người Nhật không ăn Tết Âm lịch như người Việt Nam. Vì thế, chúng tôi vẫn phải đi làm bình thường. Đúng 8 giờ kém 10 phút sáng, chúng tôi phải có mặt ở công ty để chấm công và làm công việc của mình. 5 giờ chiều thậm chí là 7 giờ chiều (nếu làm tăng ca), chúng tôi mới có mặt ở nhà để chuẩn bị bữa cơm tối.
Tại công ty, các công nhân người Việt được xếp chỗ ở như ký túc xá sinh viên ở Việt Nam nhưng số lượng người ở cùng phòng ít hơn. Mỗi phòng có 2, 3 người.
Chúng tôi được công ty bố trí cho một bếp nấu ăn chung. Bình thường, mỗi công nhân đều tự lo bữa ăn cho mình. Tuy nhiên, ngày Tết của Việt Nam, tất cả chúng tôi đều góp thực phẩm để nấu chung và ăn chung” - anh Quân nói.
Theo lời chia sẻ của anh Quân, để có được thực phẩm mang hương vị Tết Việt Nam, các công nhân đang sống và làm việc tại Nhật như anh phải tranh thủ đi mua sắm, đặt mua hàng xách tay của những người Việt bên đó hoặc gọi về Việt Nam để gia đình gửi sang từ cách đây vài tuần.
“Đến nay, chỉ thiếu hộp mứt Tết, còn lại, mâm cỗ của chúng tôi không thiếu bất cứ thứ gì so với mâm cỗ Tết truyền thống ở Việt Nam. Ở Việt Nam, mọi người có bánh chưng, chúng tôi cũng có bánh chưng, mọi người có thịt gà, dưa hành, thịt mỡ, chúng tôi cũng có đủ những món ăn đó” - anh Quân nói.
Mâm cơm chào năm mới của các công nhân người Việt Tại Nhật |
Vẫn theo lời chia sẻ của anh Quân, để có được bàn tiệc với những món ăn truyền thống trong ngày Tết của Việt Nam, một vài anh em công nhân còn ngày nghỉ phép sẽ xin nghỉ ở nhà làm công tác hậu cần. Những người khác, sau khi đi làm về chỉ việc ngồi vào mâm ăn uống và chúc tụng nhau.
“Cùng là cảnh xa nhà, ngày Tết, không được ở bên gia đình, vợ con nên ai cũng muốn tạo cho nhau một không khí vui vẻ. Mọi người ngồi ăn với nhau bữa cơm, uống với nhau một vài chén rượu hoặc trà để cố gắng xua đi nỗi nhớ gia đình trong cái ngày mà người người đoàn tụ, nhà nhà sum vầy này” - Anh Quân nói.
Khâu hậu cần cho tiệc chào năm mới đã hoàn thành |
Với anh Quân, đây là cái Tết thứ 3 xa gia đình, vì thế, anh đã quen với những bữa tiệc tất niên, tiệc mừng năm mới của anh em công nhân như thế này.
“Mọi người cùng nói cùng cười, cùng chúc nhau điều tốt đẹp khiến không khí phòng ăn vô cùng rộn rã. Tuy nhiên, sau những lời chúc tụng ấy vẫn là nỗi nhớ gia đình, nhớ bạn bè, nhớ quê hương làng xã…
Nhiều người không thể cầm được nước mắt khi nhấc điện thoại lên gọi về chúc Tết gia đình hoặc được mọi người ở nhà gọi sang vào thời khắc chuyển gia năm cũ sang năm mới. Đó là cái thời khắc dễ khiến người ta yếu lòng và rơi nước mắt nhất …” - anh Quân nói.
Theo Minh Anh (VietNamNet)