Trung bình một ngày tại phòng cấp cứu của BV Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận trên dưới 300 trường hợp, gồm TNGT, bệnh lý, bệnh già, tai biến... |
Vừa vào ca trực đã gặp phải "ma men"
Bỏ lại sau lưng bao lo toan về gia đình, y, bác sĩ bước vào ca trực tại phòng cấp cứu, ngoài việc chịu áp lực về bệnh nhân nặng, sự quá tải, quyết tâm trước những quyết định mang đến sống còn của bệnh nhân, họ còn đối mặt với thân nhân bệnh nhân khi xót con, xót cháu đã không tiếc lời chửi bới, gây áp lực.
Thậm chí, người nhà bệnh nhân còn dùng bạo lực để ép tập thể y, bác sĩ phải cấp cứu cho người nhà mình trước.
Đối với bác sĩ phòng cấp cứu, công việc đầu ngày là chạy bở hơi tai khi nghe những tiếng còi xe ở phía xa, những tia đèn đỏ chói bật sáng, xoay tít, báo hiệu cuộc chiến sinh tử của họ bắt đầu.
Tiếng băng ca đẩy hối hả, tiếng người thân than khóc, tiếng rên hừ hừ của bệnh nhân, tiếng gọi hỗ trợ của đồng nghiệp, tiếng máy móc dồn dập… dễ làm cho người mới đến đinh tai, nhức óc, thậm chí lo sợ đến nghẹt thở. Đó là môi trường làm việc của 35 con người trong một ca trực tại phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy.
Cứ mỗi 3 phút là phòng cấp cứu BV Chợ Rẫy có một ca cấp cứu, đôi khi xe cấp cứu kia chưa kịp đi, xe cấp cứu này lại đến. |
Không những thế, bệnh nhân tại phòng cấp cứu cũng có nhiều trường hợp rất… trời ơi đất hỡi, nhưng có lẽ, khó khăn nhất chính là bệnh nhân say rượu.
Đang đợi đến ca trực, một bác sĩ nam bước ra mua ổ bánh mì lót dạ, chưa kịp ăn thì một người đàn ông được người nhà đưa đến phòng cấp cứu.
Không biết ông T.V.M (37 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TPHCM) uống rượu từ lúc nào, say nhừ rồi tự gây tai nạn, người nhà hối hả đưa ông ta đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Nằm trên băng ca, ông M. liên tục chửi mắng y tá vì dám… bắt ông nằm yên. Vừa chửi, ông vừa vùng vẫy, máu trên trán người này thấm đỏ chiếc băng ca trắng.
Bỏ dở ổ bánh mì, bác sĩ đến khám đầu cho ông. Thấy bác sĩ, ông N. càng giãy giụa, máu từ trán bắn loang lổ lên chiếc áo blouse. Bác sĩ đang xử lý vết thương thì ông này bật dậy, nôn thốc nôn tháo lên người cấp cứu cho mình.
Một bệnh nhân vung tay với y tá, nhất quyết không để cô xử lý bệnh. Ông mạnh đến nỗi, ba người nhà phải chạy vào, người giữ tay, chân, người khuyên can thì nhân viên cấp cứu mới có thể làm việc. |
Mùi rượu, mùi máu, mùi thức ăn trong cuộc nhậu trước đó khiến những bệnh nhân xung quanh cũng nhăn mặt buồn nôn. Cả phòng cấp cứu trở nên ngột ngạt vì hơi men.
Ấy vậy mà, vị bác sĩ trên, vẫn bình thản kiểm tra vết thương trên trán, trên người của "ma men", anh quay qua nhờ hộ lý dọn dẹp "bãi chiến trường" trên sàn gạch. Khi ma men đã ngủ say, anh thay áo để bắt đầu công việc. Ổ bánh mì vẫn nằm yên vị trên bàn trực.
"Ma men" vung tay với y tá, bác sĩ phải đưa ra quyết định trói tay, chân
"Công việc cấp cứu là vậy, đối với tôi và đồng nghiệp, vốn dĩ ai cũng một lần phải trải qua những tình huống như thế. Trường hợp này chưa là gì so với các đồng nghiệp khác.
Khi một người được đưa đến phòng cấp cứu, tính mạng của họ có thể bị đe dọa. Một ổ bánh mì, một chút kiên nhẫn đổi lấy một mạng người, chúng tôi đã quá lời rồi", vị bác sĩ của phòng cấp cứu BV Chợ Rẫy chia sẻ.
Công việc tại phòng cấp cứu là những buổi sáng không yên ả, là những đêm thức trắng mải miết quên cả thời gian, những bữa ăn giản dị, vội vã để ra thăm bệnh. Trong căn phòng ấy, đèn không bao giờ tắt, việc không bao giờ hết, chỉ có căn thẳng kéo dài, có chăng chỉ là những câu bông đùa với nhau khi nhận thấy đồng nghiệp của mình đang mệt mỏi.
Bệnh nhân nam đến từ Tiền Giang, say cuộc nhậu "huynh huynh đệ đệ" thì tự gây tai nạn, phải 5 y tá, 3 bác sĩ thì mới cố định tay chân anh ta để làm việc. Tuy mất khá nhiều máu, nhưng bệnh nhân này vẫn còn sức chửi rủa những người đang cứu mình. |
Nhiều trường hợp chiến hữu, người nhà của ma men xông vào nơi các bác sĩ, y tá đang làm việc để "coi coi thế nào". Bác sĩ phải nhờ bảo vệ mời họ ra ngoài. |
Đang ngồi xem lại bảng phim X-quang, một bác sĩ nữ nhìn qua hướng có tiếng uỵch uỵch, mắt chị đượm buồn, một đồng nghiệp của chị đang bị bệnh nhân thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Đó là thanh niên được chuyển lên từ BV Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Anh ta uống say, chạy lấn tuyến rồi gây tai nạn, tuy đầu bị thủng to nhưng vẫn còn khá tỉnh táo.
Khi hơi men tạm lắng là lúc "ma men" cảm nhận được cái đau đớn từ vết thương, anh vung tay lia lịa vào người những cô y tá xung quanh, chỉ khi người nhà bước vào, đè anh ta xuống thì bác sĩ mới có thể thăm khám.
Những dấu đỏ ửng trên vai, cổ, tay của y tá, bác sĩ liên tục xuất hiện. "Ma men" đúng là "ma men", mạnh bạo và không suy nghĩ. Bác sĩ phải đưa ra quyết định trói tay, chân bệnh nhân say vào băng ca. Không vùng vẫy được, anh ta chửi thể, mạt sát y, bác sĩ bằng những lời lẽ nặng nề.
Y tá Kim Sa, người vừa "chiến đấu" với ma men cho biết: "May mắn là trường hợp này người thân bệnh nhân hiểu nên hợp tác, vì vậy chúng tôi mới cầm máu được cho anh ta. Có nhiều ca bệnh nhân "quậy", người thân cũng "quậy" chúng tôi giải thích hết lời vẫn bị dọa đánh.
Bị đánh không ngại, chỉ ngại có thể bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm, trong lúc vùng vẫy vô tình lây bệnh sang cho ê-kíp nhận bệnh mà thôi".
Y, bác sĩ, những người không ngại ngần lao vào cứu bệnh, họ chỉ có đôi găng tay và khẩu trang y tế bảo hộ. Nếu bệnh nhân đang bị lao, phổi... những bệnh truyền nhiễm về hô hấp thì nguy cơ lây nhiễm sẽ càng cao. Thậm chí, các y, bác sĩ cũng có thể bị nhiễm HIV khi máu người có bệnh này bắn vào người.
Ngày 27/10, mặc dù gia đình khuyên can, nhưng "ma men" này vẫn lấy xe máy chạy ra đường rồi té ngã, mặt và cơ thể đầy máu vẫn không để bác sĩ băng bó. "Quậy" đã, "ma men" lăn ra ngủ, bác sĩ... tranh thủ đến kiểm tra lại vết thương. |
Về vấn đề này, bác sĩ Ngô Lê Đại – Bác sĩ trưởng ca trực đêm của BV Chợ Rẫy cho biết: "Phòng cấp cứu là nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Khi một bệnh nhân được chuyển vào, y bác sĩ phải lấy tính mạng bệnh nhân làm đầu, các bác sĩ phải lao vào cấp cứu. Bệnh nhân qua nguy kịch mới là lúc làm xét nghiệm xem họ có bị bệnh truyền nhiễm không để cách ly.
Vì vậy, đã có trường hợp bác sĩ bị lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân, phải điều trị lâu dài. Nhiều y tá vì trực đêm căng thẳng, kèm theo áp lực từ bệnh nhân mà khi tiêm thuốc, lấy máu cho bệnh nhân đã vô tình tiêm phải tay mình. Những điều đó chúng tôi không sợ, chỉ cần giành được họ từ tay tử thần là hạnh phúc lắm rồi!".
Ngày 25/10/2016 BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận hơn 300 ca cấp cứu. Trong đó, không ít là "ma men" say xỉn tự té ngã hoặc gây tai nạn cho người khác, 4 ca tử vong do quá nặng và người nhà tự xin về.
Theo Phạm An (Soha.vn/Trí thức trẻ)