Đến hết ngày 31/8, đợt bùng phát dịch thứ tư tại Hà Nội đã ghi nhận 3.268 ca Covid-19, trong đó số mắc phát hiện ngoài cộng đồng lên tới 1.547 ca. Trung bình mỗi ngày, Sở Y tế Hà Nội công bố từ vài chục tới hơn 100 trường hợp nhiễm mới.
Toàn thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 6/9. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Hà Nội vẫn còn nhiều nguy cơ về dịch bệnh trong thời gian tới.
“Rất khó loại bỏ hoàn toàn F0”
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định, dịch ở Hà Nội vẫn ở mức nguy cơ bùng phát cao.
Thành phố còn nhiều vùng dịch ở các quận nội đô với số ca nhiễm lớn, như ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) đến nay đã có hơn 300 trường hợp. Những nơi bùng phát dịch mạnh đều phù hợp với đặc thù của địa điểm đó.
“Ví dụ chùm ca bệnh ở Thanh Xuân Trung ghi nhận chủ yếu ở khu vực có nhiều ngõ nhỏ, ngách nhỏ, các khu tập thể cũ với mật độ dân rất đông, điều kiện đảm bảo khoảng cách cũng khó khăn hơn các vùng khác. Chưa kể, ý thức người dân không phải tất cả đều tốt. Nếu chưa lường hết được sự nguy hiểm của chủng virus Delta, vẫn giao tiếp, vẫn gặp gỡ, dịch có thể lan ra rất nhanh, ngay bên trong khu vực phong tỏa”, PGS Hùng phân tích.
Ông đánh giá, công tác phòng chống dịch ở Hà Nội tới nay đang khá tốt, tức là khi từng vụ dịch bùng phát, chính quyền, ngành y tế vẫn hoàn toàn chủ động để kiểm soát. Dịch chỉ giới hạn trong những khu vực nhỏ đã được “khống chế”, phong tỏa ngay, không để lan rộng sang nhiều vùng khác.
Tuy nhiên, PGS Hùng cũng nhấn mạnh: “Khả năng loại bỏ hết F0 tại Hà Nội thời gian tới rất khó”. Ông phân tích, Hà Nội liên tục triển khai xét nghiệm diện rộng ở tất cả khu vực nguy cơ cao, nhưng giải pháp này chỉ giúp xác định được kết quả âm tính/dương tính trong thời điểm xét nghiệm.
Trong khi đó, dù đang áp dụng giãn cách xã hội, người dân vẫn phải đi chợ, một số vẫn đi làm nên sự tiếp xúc giữa người này với người kia từ những khu vực khác nhau là không thể tránh. Do mầm bệnh đã âm thầm lây lan ở cộng đồng, nhóm ra ngoài có thể còn ca bệnh chưa được phát hiện, sẽ tiếp tục lây cho người khác.
Bên cạnh đó, việc giao thương hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh thành có dịch, đặc biệt là khu vực phía Nam vẫn diễn ra hàng ngày, mầm bệnh từ nơi khác có thể xâm nhập vào thành phố. “Chúng ta không thể ngừng tất cả hoạt động giao thương, đi lại,… nên nguy cơ có F0 luôn hiện hữu”, PGS Hùng nói.
Đặc biệt, chủng virus Delta rất dễ lây, trong khi sức miễn dịch của cộng đồng, tức độ bao phủ vắc xin còn thấp. Theo thống kê, hiện Hà Nội mới tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho khoảng 40-50% người trên 18 tuổi. “Sức miễn dịch như vậy chưa đủ để góp phần ngăn chặn dịch”, PGS Hùng cho hay.
Một số người đặt câu hỏi: “Vì sao Hà Nội giãn cách nhưng vẫn còn xuất hiện các ổ dịch”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhận định: “Chúng ta nên đặt câu hỏi nếu không giãn cách, dịch ở Hà Nội sẽ bùng phát mạnh thế nào? Khi ấy, số ca nhiễm khó dừng lại ở mức vài chục ca/ngày”.
Ông nhấn mạnh, giãn cách là biện pháp rất quan trọng khi chưa đủ khả năng bao phủ vắc xin, bảo vệ cộng đồng khỏi virus SARS-CoV-2.
“Người dân không nên quá lo lắng, cũng không nên nóng vội. Cần xác định cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Hà Nội còn lâu dài, khi mầm bệnh đã lây lan trong cộng đồng và nhiều tỉnh thành khác đang bùng phát dịch mạnh”, ông nói.
Những giải pháp quan trọng để khống chế dịch giai đoạn tới
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, tới đây, Hà Nội vẫn còn nguy cơ tiếp tục bùng phát các ổ dịch. Chính quyền thành phố và ngành y tế sẽ căn cứ vào “sức chống đỡ” với dịch để quyết định mức độ giãn cách trong thời gian tới (sau ngày 6/9).
“Sức chống đỡ” ở đây bao gồm tỷ lệ tiêm chủng của người dân và năng lực khống chế khi các vụ dịch bùng phát.
“Trong điều kiện giãn cách, Hà Nội đang làm tốt công tác phòng chống dịch. Nếu thành phố nới lỏng hoàn toàn, nguy cơ sẽ rất cao. Tôi cho rằng có thể xem xét nới giãn cách ở khu vực an toàn, không xảy ra dịch nhưng cũng phải sẵn sàng áp dụng biện pháp phong tỏa ngay nếu phát hiện ca nhiễm ở khu vực đó”, PGS chia sẻ.
Trong số các giải pháp giúp Hà Nội ứng phó với dịch bệnh giai đoạn tới, PGS Hùng đặc biệt lưu tâm tới vấn đề tiêm chủng vắc xin, quan trọng nhất là tập trung toàn bộ nguồn vắc xin có thể có cho đối tượng nguy cơ tử vong cao như người cao tuổi, người có bệnh nền.
“Nếu dịch bùng phát mạnh, nhóm bệnh nhân cao tuổi, bệnh nền sẽ dễ diễn tiến nặng nhất. Mục tiêu trước mắt của chúng ta không phải là loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh, mà là giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong, tỷ lệ bệnh nặng phải nhập viện để ngành y tế không bị quá tải, ngoài tầm kiểm soát về điều trị. Bởi vậy, cần có chiến lược tiêm chủng ưu tiên rõ ràng hơn cho nhóm này”, ông nói.
Thứ hai, phải tăng cường vai trò của kiểm tra, giám sát, đặc biệt ở chính quyền cơ sở, không nên trông chờ hoàn toàn vào ý thức người dân.
Theo PGS Hùng, hiện Hà Nội đã quyết liệt trong kiểm soát đi lại, lập các chốt trực trên đường phố, tuy nhiên, việc kiểm soát trong ngõ nhỏ, phố nhỏ, các khu chung cư cũng rất quan trọng, nhất là nơi mật độ dân đông. Thanh Xuân Trung bài học về vấn đề cần tăng cường giám sát trong khu dân cư đông đúc.
“Ban quản lý tòa nhà, tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng cần quyết liệt hơn trong tuyên truyền giám sát, phát hiện hành vi không đúng, đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất giao lưu, tiếp xúc trong thời điểm này”, PGS cho hay.
Ông nhấn mạnh, cư dân ở “vùng xanh” tuyệt đối không được chủ quan bởi người ở vùng này vẫn được ra ngoài, có nguy cơ “mang dịch về”. “Vùng xanh” chỉ là quy ước tạm thời “chưa có dịch” và còn có cơ hội để phòng ngừa. Nếu không tuân thủ phòng dịch, một người mang bệnh sẽ lây ra một nhà, sau đó từ một nhà có thể lây ra nhiều nhà khác.
Về công tác xét nghiệm, PGS Hùng cho rằng, nên tập trung lấy mẫu ở khu vực nguy cơ cao thay vì xét nghiệm tràn lan. “Chúng ta không đủ nguồn lực để lấy mẫu cho tất cả mọi người, bởi việc xét nghiệm cần lặp lại, hôm nay âm tính nhưng ngày mai chưa chắc đã âm tính”, PGS nói.
Vì vậy, nên tập trung vào khu vực trọng điểm, những vùng có F0 và vùng phụ cận. Đồng thời, kết hợp với truy vết để nâng hiệu quả xét nghiệm. Khi phát hiện ca dương tính, cần lập tức phong tỏa khu vực có liên quan.
Bên cạnh đó, cần lưu ý nguy cơ khi tổ chức xét nghiệm tập trung. Nếu không đảm bảo giãn cách và các quy định phòng chống dịch, một ca bệnh có mặt tại điểm lấy mẫu có thể lây lan sang nhiều người khác.
“Trong lúc chờ đợi vắc xin để tiêm phủ diện rộng, giải pháp quan trọng hàng đầu là tăng cường giám sát trọng điểm, giám sát người bệnh ho sốt, xét nghiệm trọng điểm ở khu vực nguy cơ cao để phát hiện sớm ca bệnh. Bên cạnh đó, xem xét áp dụng mức độ giãn cách phù hợp với từng khu vực theo mức độ nguy cơ, nhưng vẫn phải giám sát chặt chẽ, phong tỏa ngay khi có ca dương tính”, PGS Hùng nhấn mạnh.
Theo Nguyễn Liên (VietNamNet)