Tại cuộc họp báo chiều 1/12, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho hay, do quy định ghi tên thành viên gia đình vào sổ đỏ (Khoản 5 Điều 6 Thông tư 33) còn có cách hiểu khác nhau nên Bộ đã quyết định chưa thực hiện quy định trên vào ngày 5/12 như dự kiến.
"Hôm nay Bộ Tài nguyên đã làm việc với Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp và cùng thống nhất lùi thực hiện Khoản 5 Điều 6 tại Thông tư 33. Khi cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ, truyền thông để người dân hiểu thì mới thực hiện quy định này", ông Hà nói.
Bộ trưởng Tài nguyên Trần Hồng Hà cho rằng Thông tư 33 xuất phát từ quy định của Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự và nghị định liên quan, do vậy "hoàn toàn đúng về tính pháp lý và cần thiết".
Ông nói, lâu nay khái niệm hộ là chủ thể trong các giao dịch, trên thực tế Bộ Luật dân sự không còn khái niệm hộ mà chỉ quy định tại Luật Đất đai, nên cần có quy định rõ hơn với cá nhân có tài sản chung.
Trong thực tế, quá trình giao dịch dân sự do quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình không được xác lập cụ thể, nên đã phát sinh nhiều mâu thuẫn tranh chấp khá nhức nhối; cơ quan chức năng lúng túng trong xử lý một số vấn đề liên quan.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên, Thông tư 33 là để góp phần giải quyết vấn đề nêu trên, nhưng quy định thiếu rõ ràng dẫn tới cách hiểu khác nhau; chưa nêu rõ đối với các trường hợp chuyển tiếp giải quyết thế nào; chưa làm người dân hiểu việc ghi tên từng thành viên vào sổ đỏ là tự nguyện và các giấy tờ về sở đổ trước đây vẫn có hiêu lực…
Cuối tháng 9, Bộ Tài nguyên môi trường ban hành Thông tư 33/2017 đề cập việc sửa đổi bổ sung một số quy định về luật đất đai, trong đó quy định từ ngày 5/12 “ghi tên tất cả thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ”, thay vì chỉ ghi một người đại diện như hiện hành.
Trước những ý kiến trái chiều, Bộ Tài nguyên cho biết, thông tư 33/2017 có lỗi diễn đạt gây khó hiểu cho người dân. Câu chữ trong thông tư mang tính kỹ thuật, người trong ngành đọc sẽ hiểu nhanh, song người dân thì khó hiểu. Bộ sẽ rút kinh nghiệm.
Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài Nguyên môi trường) giải thích thông tư 33 chỉ áp dụng cho việc cấp sổ đỏ cấp cho hộ gia đình. Thông tư khi được áp dụng cho người dân hai sự lựa chọn. Thứ nhất, các thành viên trong hộ gia đình cử một người đại diện đứng tên trên sổ đỏ. Với phương án này, trên sổ đỏ ghi tên người đại diện cho hộ gia đình, chứ không phải ghi như trước kia là "hộ ông (hộ bà)". Phương án hai, ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình vào sổ đỏ.
Ngày 30/11, Cục trưởng Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba cho biết, qua rà soát, nghiên cứu tổng thể quy định pháp luật và thực tiễn triển khai các quy định pháp luật về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) thấy "chưa thực sự yên tâm về tính khả thi của quy định này".
Ông Ba đề nghị Bộ Tài nguyên môi trường nên "xem xét việc ngưng hiệu lực (lùi thời điểm có hiệu lực) của quy định này" để có thêm thời gian chuẩn bị và tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội. Ông Ba cho rằng Bộ Tài nguyên cần rút ra bài học sâu sắc trong xây dựng văn bản từ sự việc này. Bởi khi một bộ phận không nhỏ người dân không đồng thuận, gây bức xúc xã hội thì cần nghiêm túc xem xét lại phương pháp làm, chứ không thể "chỉ đơn giản là làm đúng quy trình".
Khoản 5 Điều 6 Thông tư 33: Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình;
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).”
Theo Võ Hải (VnExpress.net)