Người dân nói cần rốt ráo xử lý vụ cựu Viện phó VKS dâm ô bé gái
Có quyền lên án, nhưng phải tuân thủ pháp luật
Thời gian vừa qua, do không đồng tình với mức xử phạt 200 nghìn đồng đối với hành vi hôn nữ sinh trong thang máy của đối tượng Đỗ Mạnh Hùng, kèm theo đó là việc cơ quan chức năng chậm khởi tố Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy, cộng đồng mạng đã kêu gọi nhau phát tán hình ảnh hai người này, nhiều hội nhóm trên các mạng xã hội còn phát miễn phí decal in hình ông Linh để mọi người dán lên phương tiện lưu thông.
Trao đổi với Pv. dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật) cho biết: "Theo quy định pháp luật, đối tượng Hùng bị xử phạt hành chính với mức phạt 200 nghìn đồng là đúng. Mặc dù chúng ta không đồng tình, tuy nhiên tại nghị định 167/2013 đã quy định như vậy, cơ quan chức năng buộc phải làm theo, không thể khác được.
Việc công an chậm khởi tố hành vi dâm ô trẻ em đối với ông Linh cũng phụ thuộc vào các quy định pháp luật và các yếu tố khách quan như bằng chứng, lời khai của nghi phạm và thông tin từ nạn nhân cũng như người giám hộ nạn nhân.
Dư luận có quyền lên án những hành vi trái pháp luật và trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tuy nhiên mọi cá nhân khi thực hiện hành vi kể cả việc biểu đạt quan điểm, lên án một hành vi khác cũng cần phải tuân thủ pháp luật.
Việc nhiều người mang hình ảnh của đối tượng này phát in ra và dán trên xe ô tô, nơi công cộng rồi kêu gọi người khác thực hiện điều này là vi phạm pháp luật.
Đối tượng Hùng chỉ vi phạm hành chính chứ không phải là tội phạm hình sự, ông Linh thì chưa bị cơ quan chức năng kết tội (dù đã bị khởi tố điều tra nhưng vẫn chưa có kết luận chính thức tại tòa án), vì vậy hai người này vẫn có đầy đủ quyền công dân được pháp luật bảo hộ. Việc dùng và phát tán hình ảnh của những người này là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền cá nhân của người khác, quy định tại Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015".
Cũng theo luật sư Bình cho biết, khi bị người khác sử dụng và phát tán hình ảnh cá nhân gây thiệt hại thì người bị sử dụng, phát tán hình ảnh có quyền khởi kiện các tập thể, cá nhân sử dụng hình ảnh của mình ra tòa để yêu cầu bồi thường danh dự.
Dán ảnh để cảnh giác là tốt, nhưng cần tránh mục đích xúc phạm danh dự người khác
Luật sư Bình cho biết, hiện nhà nước ta tạo điều kiện rất thuận lợi cho mọi công dân đóng góp ý kiến nhằm kiện toàn hệ thống pháp luật phù hợp với tình hình thực tế. Tại Điều 6 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định như sau: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật".
Cũng liên quan đến vấn đề này, Trao đổi với Pv., luật sư Nguyễn Anh Thơm thuộc đoàn luật sư Hà Nội cho biết: "Việc cư dân dán giấy với nội dung nhắc nhở nhau cảnh giác khi trong khu vực xuất hiện những đối tượng có hành vi đe dọa đến an ninh, an toàn của mọi người là nên làm, đây là hành động bình thường, không vi phạm pháp luật.
Ở những nơi công cộng xuất hiện những kẻ trộm cắp hoặc trêu ghẹo phụ nữ, người dân vẫn thường công khai hình ảnh các đối tượng để mọi người chú ý cảnh giác, tuy nhiên hành động này cần tránh nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".
Như vậy, theo các luật sư việc dán hình ảnh của những đối tượng phạm tội và nguy cơ đe dọa đến an ninh, an toàn đối với cộng đồng sẽ là hợp pháp nếu chỉ nhằm mục đích giáo dục, nhắc nhở mọi người cảnh giác. Nhưng không được sử dụng vào các mục đích bêu rếu, xúc phạm.
Ông Linh có quyền khởi kiện những người dán ảnh mình
Luật sư Nguyễn Văn Ngọc, Công ty luật hợp danh Thái Bình Dương - Đoàn luật sư Nghệ An cho biết: "Khi một người có hành vi bị xã hội lên án, không tránh khỏi việc dư luận bức xúc, phẫn nộ. Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh của ông Linh trước hành vi có biểu hiện dâm ô trẻ em là vượt ra ngoài khuôn phép của pháp luật.
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là một trong những quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ và cụ thể hóa tại Điều 32 Bộ luật Dân sự: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác...
Hiện hành vi của ông Linh đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, kể cả hành vi của ông Linh đủ yếu tố cấu thành tội phạm đi chăng nữa thì cũng phải có sự đồng ý của người phạm tội thì hình ảnh của ông Linh mới được sử dụng. Những người chế ảnh và truyền bá như vậy đã xâm phạm đến quyền cá nhân của ông Linh. Nếu vi phạm, theo nguyên tắc nếu có thiệt hại xảy ra, ông Linh có quyền khởi kiện các cá nhân sử dụng hình ảnh của mình để yêu cầu bồi thường dân sự".
Theo Bá Cường (Tổ Quốc)