Dù đối tượng “người thân” của quan chức được dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mở ra cả dâu, rể, con nuôi, bố mẹ nuôi nhưng vẫn vắng bóng anh em chồng.
Dự thảo bổ sung thêm mục xây dựng chế độ liêm chính, trong đó có điều 23 quy định Quy tắc ứng xử đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga |
Đáng chú ý là dự luật lần này quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí “người nhà”, “người thân” công tác về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho.
Người đứng đầu và cấp phó cũng không được để người thân làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý hoặc trực thuộc hoặc mua bán hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Khác với luật hiện hành, dự luật mở rộng đối tượng người thân của lãnh đạo từ vợ/chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột ra cả cha mẹ chồng, cha mẹ vợ; cha mẹ nuôi; con nuôi, con dâu, con rể; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu.
Song, dự luật bỏ qua đối tượng là anh/em chồng, chị/em vợ mà thực tế dư luận đang quan tâm như trường hợp em chồng của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là Phó giám đốc công ty CP VN Pharma.
Dư luận đang bức xúc chuyện 'người thân'
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết gần đây, dư luận bức xúc về một số vụ việc. Khi giải trình vụ việc có liên quan đến người nhà hay không người nhà làm việc ở các khu vực công có viện dẫn điều 37 luật Phòng chống tham nhũng hiện hành.
Còn dự luật sửa đổi có 1 quy định trong chương "Liêm chính" đã mở rộng sang “Bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ mẹ vợ, anh chị ruột, con nuôi, con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu”.
Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp, Kết luận số 10/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 3 (khóa 10) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cũng nêu không bố trí “người nhà” làm ở lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.
Bà dẫn luật Hôn nhân gia đình có khái nhiệm “người thân thích” liên quan đến chế định giám hộ, luật Doanh nghiệp có khái niệm "người có liên quan" đến người trong gia đình.
Bà đề nghị các ĐB xem có nhất thiết phải mở rộng như vậy hay thu hẹp. “Quy định như thế này là thiếu anh chồng, em chồng", bà Nga nói.
Không kiểm soát tài sản là vô phương chống tham nhũng
Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cảnh báo: “Khó khăn nhất của phòng chống tham nhũng là kiểm soát tài sản. Không kiểm soát được thì vô phương trong phòng chống tham nhũng”.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền |
Theo ông, chúng ta luôn nói tham nhũng là tội phạm ẩn nhưng biện pháp lại "thông thường", chỉ có tố tụng hình sự mở ra là "đặc biệt".
Nói về xác minh tài sản, ông Quyền cho đây là câu chuyện lớn vì kê khai bây giờ là hình thức.
“Mấy anh tổ chức cán bộ đi kiểm tra là hình thức. Các vụ án điều tra đi lại, mấy vòng tố tụng còn chưa xác minh được. Giao cho mấy anh kia xác minh là điều không tưởng. Các nước liên quan đến tài sản là phải tố tụng, điều tra. Giao cho cán bộ tổ chức là quá lỗi thời”, ông Quyền nhấn mạnh.
Theo ông, từ trước đến giờ xác minh tài sản quy định trách nhiệm chính trị là chính chứ không thu hồi được.
“Như vậy là đi vào con đường cụt của cơ chế này. Vấn đề xác minh thu hồi tài sản phải làm thế nào để đưa nó vào tố tụng. Tất cả phán quyết của tài sản không qua toà án không phải pháp quyền và không đảm bảo quyền công dân”, Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp lưu ý.
Công chức không được có quá 10% cổ phần trong DN Dự luật cũng siết chặt quy định cán bộ, công chức, viên chức trong sở hữu cổ phần trong DN. Dự luật quy định, cán bộ, nhân viên chức chỉ được sở hữu dưới 10% cổ phần của DN thay vì chỉ cấm họ thành lập, tham gia thành lập, tham gia quản lý, điều hành DN như luật hiện hành. |
Theo Thu Hằng (VietNamNet)