Luật cấm, cha mẹ vẫn ầm ầm đăng kết quả học của con

24/05/2017 07:21:00

Kết thúc năm học, cha mẹ ầm ầm tung ảnh chụp kết quả học tập con lên mạng, bất chấp việc đây là hành vi mà Luật Trẻ em nghiêm cấm và chỉ còn vài ngày nữa là có hiệu lực (từ 1.6.2017).

Kết thúc năm học, cha mẹ ầm ầm tung ảnh chụp kết quả học tập con lên mạng, bất chấp việc đây là hành vi mà Luật Trẻ em nghiêm cấm và chỉ còn vài ngày nữa là có hiệu lực (từ 1.6.2017).

luat cam, cha me van am am dang ket qua hoc cua con hinh anh 1

Một bảng điểm được phụ huynh chia sẻ trên mạng (Ảnh chụp Internet).

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Oanh – Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế (Học Viện Báo chí tuyên truyền) cho rằng, ranh giới giữa việc phạm luật và không phạm luật trong trường hợp này rất mong manh. Nếu bố mẹ đăng tải kết quả học tập mà được con đồng ý thì không sai luật và ngược lại. Quan trọng hơn, khi đăng bất cứ hình ảnh nào liên quan tới đời tư của con, bố mẹ cũng cần phải cân nhắc: "Liệu hành vi này có phải vì lợi ích tốt nhất của con?".

PGS Oanh nêu quan điểm: “Nếu bố mẹ đăng ảnh mà không xin phép con thì đó là vi phạm quyền của trẻ em. Về mặt cá nhân, trẻ không được tôn trọng khi cha mẹ tuỳ ý đăng thông tin của trẻ mà không hỏi ý kiến. Sau khi đăng có thể thông tin đó sẽ tác động tới đời sống sinh hoạt, tâm tư của trẻ. Nếu chẳng may bị các "thánh chém" trên mạng mổ xẻ, xâu xé, trẻ sẽ bị tổn thương rất lớn”.

Theo PGS Oanh, bố mẹ không nên đưa thông tin cụ thể để người ngoài có thể nhận dạng được trẻ, điều này có thể bị kẻ xấu đánh cắp thông tin, sử dụng vào mục đích xấu. Trên thực tế đã có những vụ việc kẻ xấu lợi dụng thông tin cha mẹ đưa lên mạng để bắt cóc trẻ, tống tiền... 

“Trong trường hợp bố mẹ không đưa thông tin lên mà người khác vô tình hay cố ý làm lộ thông tin cá nhân của trẻ thì bố mẹ trẻ có quyền viết đơn khởi kiện, yêu cầu người sử dụng phải gỡ bỏ thông tin, đính chính, xin lỗi…” – PGS Oanh nói.

luat cam, cha me van am am dang ket qua hoc cua con hinh anh 2

Không ít  comment  thiếu thiện ý  về thành tích học tập của trẻ (Ảnh chụp từ Facebook)

Về phía cơ quan quản lý, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, việc cha mẹ Việt Nam cung cấp kết quả học tập, kèm những thông tin cụ thể về kết quả học tập hoặc những bức ảnh cá nhân nhạy cảm của con mà không được con đồng ý không hiếm. Nếu trẻ từ 7 tuổi trở lên cha mẹ cần hỏi ý kiến trẻ, nếu trẻ chưa đủ 7 tuổi thì cha mẹ có quyền quyết định nhưng phải xem xét dựa trên mục tiêu vì sự phát triển tốt nhất của trẻ.

“Muốn xem xét hành vi này là đúng hay phạm luật cần căn cứ vào 3 điều kiện cụ thể: Hành vi đó có được sự đồng ý của trẻ hay không? Thông tin đó có vi phạm đời tư của trẻ hay không? Và cuối cùng là hành vi đó có phải vì lợi ích tốt nhất của trẻ hay không?” – ông Nam nói.

Ông Nam cho biết, Luật Trẻ em mặc dù sắp có hiệu lực, nhưng để Luật đi vào cuộc sống cần phải bổ sung, sửa đổi thêm nhiều bộ luật khác. Do vậy, thời gian này, nếu phát hiện những hành vi bị nghiêm cấm theo Luật thì cũng chưa thể xử lý ngay được.

“Hiện tại chúng tôi mới đề nghị các Cơ quan sửa lại Luật xử lý vi phạm hành chính, theo hướng quy định phạt bao nhiêu, gỡ thông tin thế nào. Sau đó, cần phải quy định cụ thể trong một nghị định hướng dẫn thì mới xử lý được” – ông Nam nói thêm.

Theo Thuỳ Anh (Dân Việt)

Nổi bật