Nước lũ dâng nhanh ở Quảng Bình, Quảng Trị gây chia cắt nhiều nơi. Đến tối 17/10, Quảng Trị đã sơ tán 267 hộ dân với 1.416 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Khách đi đường bộ, đường biển, đường sông không phải làm xét nghiệmThủy điện ở TT-Huế dừng điều tiết nước để tìm 2 vợ chồng mất tíchLốc xoáy khiến 45 ngôi nhà bị tốc mái ở Quảng Ngãi
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, đến 19h tối nay, có 14 điểm trên Quốc lộ 15, Quốc lộ 9B, 9C, 9E bị ngập
Trong đó, ngầm Bùng nằm trên Quốc lộ 15 đoạn qua xã Hưng Trạch, Bố Trạch bị ngập 2,5 m, không thể qua lại được.
Tại K33+200 trên Quốc lộ 9C sạt trượt mái taluy dương, đất đá tràn xuống nền và mặt đường gây ách tắc nghiêm trọng. Nhiều thôn bản bị chia cắt, gồm 7 bản tại xã Trọng Hóa, 2 thôn ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa do các ngầm Hà Nông, Cu Pi, Tô Cô, cầu tràn bến Seeng nước đang dâng và chảy xiết.
13 thôn ở xã Trường Sơn và Trường Xuân huyện Quảng Ninh, 40 hộ dân ở xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy cũng bị chia cắt.
Cũng theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, toàn tỉnh có 18.967 hộ/65.893 người cần di dời xen ghép và tập trung.
Có 39 điểm nguy cơ sạt lở cao tại 7 huyện, thị xã với tổng số 501 hộ/1.903 khẩu cần di dời khẩn cấp để tránh sạt lở đất.
Cũng vào khoảng 12h trưa nay, ông Nguyễn Văn Đường (SN 1970), ở thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh đi đò ra kiểm tra hồ tôm bị chìm đò, mất tích. Hiện chính quyền địa phương và người nhà đang tìm kiếm.
Trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết.
Tổ chức trực ban 24/24, tham mưu kịp thời khi có sự cố xảy ra, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị, phương tiện, nhiên liệu, vật tư y tế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được ngay khi có tình huống.
Sẵn sàng các địa điểm, đảm bảo cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm tránh trú đồng thời đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19 để người dân từ các tỉnh phía Nam về quê lưu thông qua địa bàn tỉnh Quảng Bình tạm tránh trú trong thời gian mưa lũ gây chia cắt, gián đoạn giao thông…
Quảng Trị di dời hơn 1.400 người dân
Tình hình mưa lũ nhiều ngày liên tiếp đã gây ra nhiều thiệt hại ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh này.
Tại Quảng Trị, mưa lớn từ ngày 15/10 đến hôm nay (17/10), lượng mưa đạt từ 200-300m khiến mực nước trên các sông đang lên cao, gây ngập tại các ngầm tràn, chia cắt một số tuyến đường giao thông ở khu vực miền núi và một số vùng thấp trũng ven sông ở đồng bằng.
Hiện, ngành chức năng đã thống kê một số thiệt hại ban đầu tại tỉnh này.
Mưa lũ đã gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng, tại hai huyện Cam Lộ và Triệu Phong. Cụ thể, đoạn sông Hiếu (tại thôn Mộc Đức, xã Cam Hiếu, Cam Lộ) bị sạt lở chiều dài 100m, trong đó đoạn nguy hiểm ăn sâu vào đường giao thông dài 20m.
Tại đoạn sông Thạch Hãn (tại thôn Đại Thượng Hạ, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong) bị sạt lở với chiều dài 1.000m.
Nhiều trụ sở trường, trạm ở huyện Triệu Phong cũng bị hư hỏng. Ở xã Triệu An, nhà bảo vệ và phòng y tế Trường Tiểu học bị tốc mái hoàn toàn. Xã Triệu Phước, phòng học tại Trường Mầm non khu vực Lưỡng Kim bị tốc mái 50%. Xã Triệu Hòa, phòng làm việc của Trạm y tế bị hư hỏng.
Ở huyện Gio Linh, có 9h thủy sản ở xã Gio Việt bị thiệt hại do mưa lũ. 1 hộ dân ở huyện Hướng Hóa bị tốc mái hoàn toàn.
Nhiều khu vực tại Km 15, 17, 18, 23 tại đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị ngập lụt nghiêm trọng gây chia cắt giao thông.
Ngành chức năng tỉnh Quảng Trị cho biết, đến hiện tại đã sơ tán, di dời 267 hộ dân với 1.416 nhân khẩu tại một số khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn.
Cụ thể, tại huyện Đakrông, sơ tán 219 hộ/1.322 khẩu. Trong đó, xã Ba Lòng 170 hộ/1.128khẩu; xã Tà Long 40 hộ/159 khẩu, xã Đakrông 1 hộ/ 3 khẩu; xã Húc Nghì 8 hộ/32 khẩu.
Tại huyện Hải Lăng, di dời 8 hộ/94 nhân khẩu ở xã Hải Chánh, Hải Trường và thị trấn Diên Sanh.
Thời điểm này, ở TP Đông Hà, nước đang lên khiến một số tuyến đường bị ngập cục bộ, việc đi lại gặp khó.
Nhiều hộ dân ở các tuyến đường như Lê Lợi, Trần Cao Vân,.. nước đã tràn vào nhà, người dân phải di dời đồ đạc lên cao.
Hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục theo dõi tình hình, diễn biến của mưa lũ và sẵn sàng phương án, lực lượng để kịp thời tổ chức sơ tán, di dời đảm bảo an toàn cho các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Theo Hương Lài - Hải Sâm (VietNamNet)