PGS-TS Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), chuyên gia về ngộ độc chì nhận định, dùng bột của lõi pin nhuộm cà phê là hành vi sai trái cần cực lực lên án. Việc sản xuất thực phẩm bẩn, trộn các chất không được phép dùng trong chế biến thực phẩm đều có nguy cơ gây ngộ độc, gây hại với sức khỏe người tiêu dùng.
“Pin không bao giờ được cho phép cho vào thực phẩm. Trong pin có nhiều kim loại nặng, axit và nhiều thành phần hóa học khác có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe cho người tiêu dùng. Còn ảnh hưởng đến đâu thì cơ quan chức năng phải xét nghiệm mẫu cà phê bị nhuộm bằng pin đó, xem xét thành phần, mới có thể đánh giá chính xác nguy cơ ngộ độc” – PGS Duệ nói.
Nhiều người cho rằng việc dùng cà phê nhuộm bằng pin sẽ có nguy cơ ngộ độc chì. Về điều này, PGS Duệ lại cho rằng người dân không nên quá lo lắng. “Bột trong lõi pin là than hoạt tính, không chứa chì. Chì có trong pin nằm ở vỏ thiếc của pin, vỏ thiếc cũng khá dẻo nên quá trình đập dập vỏ pin lấy lõi có thể cũng không "rơi rớt” nhiều chì. Để kết luận chính xác thì cơ quan chức năng cần xét nghiệm các mẫu cà phê bẩn” – PGS Duệ nói.
PGS TS Nguyễn Đức Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, nhuộm cà phê bằng lõi pin là hành vi vi phạm pháp luật cần phải được xử lý. Tuy nhiên, người dân cũng không nên sợ uống phải cà phê bẩn mà hoang mang, đứng ngồi sợ hãi, ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc sống. Hiện khó xác định được nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi chưa có kết quả xét nghiệm về chất lượng cà phê".
PGS Thịnh cũng khuyến cáo, người dân cần tăng cường bảo vệ mình bằng cách mua các sản phẩm có nhãn mác, ăn uống ở các cửa hàng đảm bảo, hạn chế ăn vỉa hè, lề đường.
Trước đó, từ nguồn tin báo của người dân, ngày 16.4, lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất cà phê bột của bà Nguyễn Thị Loan (thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục tấn cà phê “bẩn” đã được trộn lẫn với đất, bột đá và các tạp chất khác. Cùng đó là 2 chậu chứa các cục pin Con Ó (khoảng 35kg) đã được đập vụn, 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg) nghi hòa tan bằng than pin, 12 tấn cà phê bột đã được nhuộm đen bằng pin chuẩn bị đóng gói cùng nhiều máy móc, dụng cụ sản xuất cà phê “bẩn”.
Thông tin từ cơ quan công an cho biết, bước đầu bà Loan thừa nhận cơ sở sản xuất cà phê này hoạt động từ nhiều năm nay. Để có nguồn nguyên liệu, hàng ngày bà Loan cho người đi thu mua vỏ cà phê, cà phê thải loại tại các cơ sở chế biến khác. Sau đó đập dẹp các cục pin, lấy phần lõi pin hòa với nước để nhuộm các loại cà phê "bẩn” này, sau đó đóng gói, đưa ra thị trường bán kiếm lời.
Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, bà Loan đã bán ra thị trường hơn 3.000 kg cà phê “bẩn” được nhuộm đen bằng lõi pin Con Ó.
Theo Diệu Linh (Dân Việt)