Nhìn đứa con nhỏ khóc vì khát sữa, chị Vũ Thị Nhung (SN 1988, trú tại thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) không thể cầm lòng. Chính vì vậy, khi tòa tuyên án được quyền nuôi con, chị Nhung mừng rơi nước mắt. Khi đó, chị nghĩ mình sẽ nhanh chóng được gia đình chồng chuyển giao quyền nuôi con theo đúng phán quyết của tòa. Vậy nhưng, hơn một năm qua, người mẹ trẻ ấy vẫn chờ đợi trong vô vọng. Nhiều khi được biết con khóc vì khát sữa mẹ, chị Nhung cảm thấy tim mình như ngàn mũi kim chích vào. “Hơn một năm nay, tôi không thể nào ăn ngon ngủ yên mà không lo lắng, nhớ thương con. Họ đã chiếm giữ con trai tôi trái pháp luật mặc cho tòa đã tuyên tôi được quyền nuôi con nhỏ”, chị Nhung ngấn lệ.
Chị Hồng và con trai ngày còn hạnh phúc (ảnh do gia đình cung cấp). |
Theo lời kể của chị Nhung, năm 2013, chị kết hôn với anh Nguyễn Văn Long (ở xã Bình Định, huyện Lương Tài). Tháng 3/2014, chị Nhung sinh cậu con trai kháu khỉnh. Do mâu thuẫn vợ chồng không thể hàn gắn, chị Nhung đã làm đơn gửi TAND huyện Lương Tài xin đơn phương ly hôn. Qua nhiều lần hòa giải không thành, ngày 17/4/2015, TAND huyện Lương Tài đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án ly hôn giữa chị Nhung và anh Long. Theo Bản án số 04/2015/HNGD-ST, tòa đã giao quyền nuôi con cho chị Nhung. Ngay sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật, chị Nhung đã đến gia đình chồng xin đón con về nuôi nhưng không được đồng ý.
Hơn một năm qua, chị Nhung không được ở bên con và luôn trong tình trạng mòn mỏi chờ được thi hành án để đón con trai về nuôi dưỡng, chăm sóc. Thế nhưng, nguyện vọng chính đáng đó của người mẹ trẻ này vẫn chưa thể thực hiện khiến cháu bé mới hơn 2 tuổi phải sống trong tình trạng thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Đặc biệt, hiện nay bố của cháu bé đã kết hôn với người vợ thứ hai nên chị Nhung càng lo lắng cho tương lai của con mình.
Chị nghẹn ngào: “Con tôi còn quá nhỏ, cháu mới hơn 2 tuổi nên cần có mẹ ở bên cạnh để trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Như thế cháu mới có thể phát triển tốt về tâm sinh lý sau này. Hơn lúc nào hết, tôi mong cơ quan thi hành án cương quyết thực thi bản án của tòa để cho hai mẹ con tôi sớm được gần nhau”.
Có thể xử lý hình sự
Để đòi lại quyền nuôi nấng, chăm sóc con, ngày 26/5/2015, chị Nhung có đơn gửi Chi cục THADS huyện Lương Tài đề nghị thực thi Bản án số 04/2015HNGĐ - ST. Sau khi nhận được đơn của chị Nhung, Chi cục THADS huyện Lương Tài đã ra Quyết định số 24/QĐ-CCTHA về việc thi hành án theo đơn. Quyết định thi hành án yêu cầu anh Long phải có trách nhiệm giao con chung cho chị Nhung trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Anh Long có quyền thăm nom con, chị Nhung không được quyền ngăn cản. Quyết định yêu cầu anh Long có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án.
Hết thời hạn tự nguyện thi hành án nhưng anh Long vẫn không chịu thi hành. Chi cục THADS huyện Lương Tài cũng đã nhiều lần mời anh Long lên để thi hành án. Tuy nhiên, mỗi lần cơ quan thi hành án mời lên thì anh Long đều lấy lý do đi làm ăn xa không có mặt ở địa phương.
Mỗi lần được triệu tập để thi hành án là một lần chị Nhung hy vọng, nhưng rồi người mẹ trẻ lại thất vọng vì bản án lại không được thực thi. Tuyệt vọng, chị Nhung đã làm đơn cầu cứu khắp nơi, đã nhờ đến các cấp chính quyền, Hội Phụ nữ cơ sở vào cuộc vận động, tuyên truyền để gia đình anh Long tự nguyện thi hành án, trả lại con cho chị nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trước sự khẩn cầu của người mẹ trẻ, ngày 25/11 vừa qua, Chi cục THADS huyện Lương Tài đã tổ chức thi hành án trong vụ việc ly hôn của chị Nhung. Một lần nữa, buổi thi hành án thất bại vì anh Long không hợp tác.
Nhận định về việc trốn tránh thi hành án của người chồng, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu hành vi này liên tục tiếp diễn có chủ ý của anh Long, cơ quan chức năng có thể xử lý hành chính hoặc hình sự. Theo Khoản 1, Điều 165 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Bên cạnh đó, căn cứ tại Điều 52 Nghị định 110/2013 của Chính phủ quy định thì mức phạt đối với anh Long từ 3 - 5 triệu đồng do có hành vi trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án.
Ở mức độ nặng hơn, hành vi của anh Long còn có thể cấu thành tội “Không chấp hành án” theo Điều 304 Bộ luật Hình sự. Điều luật này quy định: “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Luật sư Nguyễn Thu Anh nhấn mạnh: “Để cấu thành tội này, ngoài hành vi không chấp hành thi hành quyết định của tòa án về việc giải quyết tranh chấp giành quyền nuôi con sau ly hôn thì còn phải kèm theo điều kiện người không chấp hành đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết theo đúng quy định của pháp luật mà vẫn không chấp hành bản án, quyết định của tòa án thì mới đủ căn cứ xử lý hình sự”.
* Tên những người liên quan trong vụ việc đã được thay đổi.
Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Tam, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Lương Tài để tìm hiểu nguyên nhân việc thi hành án chậm trễ, nhưng ông Tam cho biết đang đi tập huấn ở xa nên không thể trả lời cụ thể. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Giáp, Chi cục Phó Chi cục THADS huyện Lương Tài thừa nhận vụ việc đang trong quá trình thi hành án. |
Theo Nguyên Hằng (Giadinh.net.vn)