Từng là nạn nhân của kiểu mở cửa xe ẩu, bạn đọc Lam Nguyên (TP.HCM) kể lại câu chuyện của mình và mong các bác tài cẩn trọng từng chi tiết nhỏ để không gây ra những cái chết tức tưởi.
Lái xe taxi mở cửa bên trái không quan sát gây tai nạn cho người đi xe máy trên đường Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Trước đó, trong gần 200 ý kiến phản hồi của bạn đọc về câu chuyện xe hơi mở cửa ẩu làm cô gái chạy xe máy ngã ra đường và bị xe buýt cán chết ở Bình Dương cũng cho thấy nhiều người từng gặp nạn với cánh cửa xe.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu.
"Câu chuyện đau lòng mới xảy ra ở Bình Dương làm tôi nhớ lại câu chuyện xảy ra với mình trước đây.
Một buổi trưa nắng, sau khi kết thúc năm tiết học, tôi, sinh viên năm thứ 2, đạp xe từ trường về lại ký túc xá.
Đến trước một trung tâm thương mại trên đường Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM), đang chạy xe, bỗng tôi thấy mình bị đẩy bằng một lực khá lớn và tôi... bay vèo một đoạn mấy chục mét, người và xe văng ra giữa đường.
Tài xế lái taxi mở cửa quá mạnh và đột ngột, khiến cả cánh cửa đập vào cánh tay và một bên người tôi làm tôi té. Người tôi bị sây sát nhiều chỗ, riêng cánh tay phải thì không cử động được.
Lúc này, tài xế taxi thay vì đưa tôi đến bệnh viện thì chỉ phân bua là do vội mở cửa xe nên anh không để ý. Anh cho rằng đây là vụ tai nạn ngoài ý muốn và lấy lý do phải trông xe nên nhờ bạn tôi đưa tôi về giùm. Tôi nhờ bạn ghi lại tên của tài xế, số điện thoại và mã số xe taxi rồi cả hai đến bệnh viện.
Tôi bị chấn thương phần mềm và nứt xương. Tiền khám và tiền thuốc bay gần hết khoản tiền “trợ cấp” của gia đình gửi cho tôi chi tiêu hằng tháng. Tôi nhiều lần liên lạc với anh tài xế nọ nhưng người này không nghe máy.
Gần một tháng sau, phải điều trị tiếp với một đơn thuốc hơi nhiều tiền, một người bạn chở tôi đến tận hãng taxi để tìm người tài xế đã làm tôi té.
Tuy nhiên, anh này lại nhờ một người làm chung gặp tôi nói hộ là mong tôi thông cảm vì báo lên cấp trên là anh bị mất việc, còn khoản đền bù tiền thuốc thì vì anh cũng nghèo nên mong tôi bỏ qua.
Một lần khác, khi đang đi bộ trên đường Tô Hiến Thành (Q.10), tôi chứng kiến một khách đi xe taxi mở cửa bên phải và cánh cửa đã đập vào một cậu bé đang đi cùng mẹ trên lề đường.
Tài xế taxi chỉ xin lỗi rồi bỏ đi vì... do hành khách chứ không phải do mình. Người mẹ phải gọi người nhà đưa con đến bệnh viện kiểm tra.
Đường phố TP.HCM có lưu lượng xe khá đông và không ít người gặp phải những tai nạn “tai bay, vạ gió” từ những cánh cửa xe hơi mở đột ngột.
Thiết nghĩ, các hãng xe taxi nên có quy định chặt chẽ về yêu cầu dừng, đậu, mở cửa xe cũng như xử lý của tài xế khi xảy ra tai nạn (dù nhỏ) do mở cửa xe.
Thêm nữa, số lượng ôtô ngày một nhiều, người lái ôtô cũng cần cẩn trọng trong từng chuyện nhỏ khi ngồi sau tay lái để không gây ra những tai nạn đáng tiếc".
Mức phạt quá thấp Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật giao thông đường bộ đã quy định người điều khiển phương tiện không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn. Nghị định số 46/2016 về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định việc mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn sẽ bị xử phạt từ 300.000 - 400.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển ôtô vi phạm quy định trên gây tai nạn giao thông thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. “Việc mở cửa xe không quan sát nếu gây ra hậu quả nhẹ thì chỉ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên nếu hậu quả nặng như gây thương tích cho người khác, làm chết người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vô ý làm chết người” hoặc “vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Thống kê cho thấy nhiều tài xế lái xe đã bị xử lý hình sự về các tội danh nêu trên. Tuy nhiên nhiều lái xe vẫn chưa ý thức được sự quan trọng của việc quan sát trước khi mở cửa xe, dù hậu quả của việc “quên” có khi rất nặng nề” - luật sư Nguyễn Thành Công cho biết. Luật sư Phạm Thanh Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng trong vụ tai nạn xảy ra ở Bình Dương, chiếc xe hơi dừng theo chiều bị cấm và mở cửa xe đột ngột khiến cô gái chạy xe máy phía sau bị ngã ra đường, sau đó xe buýt chạy ngược chiều đã cán qua người cô gái khiến cô gái tử vong, cần xem xét trách nhiệm của tài xế ôtô và tài xế xe buýt xem có tuân thủ đúng Luật giao thông hay không? Ôtô có mở cửa an toàn không và xe buýt có chạy đúng vận tốc hay không mà thắng lại không kịp? “Tôi thấy theo quy định hiện nay, việc mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn chỉ bị xử phạt từ 300.000 - 400.000 đồng là mức phạt thấp, không đủ sức răn đe. Cần tăng lên gấp 10 lần mức phạt so với hiện tại để có sự răn đe, nhắc nhở với người điều khiển phương tiện giao thông” - luật sư Phạm Thanh Tùng kiến nghị. TÂM LỤA |
Nhớ lại hồi cấp III đi học bằng xe đạp, tôi cũng bị ôtô mở cửa làm ngã lăn ra đường, may mà không có xe lớn chạy gần đó. Mặc dù đi xe đạp rất chậm và tôi có quan sát nhưng cửa ôtô mở bất ngờ thì khó tránh lắm, có phản xạ tốt thắng gấp cũng bị ngã xe thôi. Đề nghị ai bước xuống từ ôtô nên quan sát trước thật kỹ giùm. Linh Truong (liamjamestruong@...) Nhiều người ngồi trên ôtô mở cửa rất vô ý khi xe dừng, họ không quan sát mà bất ngờ bung cửa, rất nguy hiểm cho người đi xe máy trên đường. Tôi bị mấy lần, nhưng nhờ đi chậm nên tác hại nhẹ. Lỗi này chủ yếu của lái xe, lẽ ra phải hướng dẫn cách mở cửa cho khách trên xe. Đinh Dũng (dinhdung17@...) Em gái tôi đi xe đạp ngang xe ôtô dừng bên đường, bác tài bỗng dưng mở cửa xe làm em tông phải và té ngã. Vậy mà bác tài còn chửi em tôi là đi mà không nhìn. May là em tôi đi cùng một số người bạn, họ nói chuyện phải trái thì tài xế mới xin lỗi rối rít. Ý thức giao thông của nhiều tài xế ôtô bây giờ còn kém lắm, cần có biện pháp xử lý nặng hơn nữa mới răn đe được. Ngọc (ngoclay2012@...) |
Theo Lam Nguyên (Tuổi Trẻ)