Lô vắc xin này do Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất.
Lô vắc xin có 117.000 liều, nằm trong đơn hàng 204.000 liều được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu đợt đầu. Như vậy ngoài 4 đơn vị trong nước đang "chạy đua" sản xuất vắc xin, Việt Nam chính thức có vắc xin nhập khẩu sau nhiều tháng nỗ lực đàm phán.
Theo đơn vị nhập khẩu, vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca cho khả năng đáp ứng miễn dịch cao từ 62% đến 90% ở các liều dùng khác nhau.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 100% người được tiêm vắc xin đều có đáp ứng miễn dịch với COVID-19 mà không ghi nhận bất cứ vấn đề nào về độ an toàn ở cả hai chế độ liều dùng.
Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn (VNVC) - đơn vị mang vắc xin COVID-19 về Việt Nam khẳng định đây là sự kiện hợp tác mang tính lịch sử của Việt Nam nói chung và VNVC nói riêng.
Ngay sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định, VNVC sẽ triển khai tiêm chủng vắc xin trên toàn hệ thống.
Các trường hợp được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19
Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng Hệ thống VNVC, chia sẻ đơn vị này đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để có thể tiếp nhận số lượng lớn vaccine và tiến hành tiêm chủng phục vụ hàng triệu người dân.
Hệ thống bao gồm gần 50 trung tâm tiêm chủng, hơn 50 kho bảo quản vaccine đạt chuẩn GSP trên toàn quốc, hệ thống phân phối, đội ngũ nhân sự gần 5.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên chuyên nghiệp, quy trình tiêm chủng an toàn.
Theo những chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế, VNVC sẽ sớm công bố các thông tin chi tiết về kế hoạt triển khai tiêm chủng vaccine này. Giá vaccine dự kiến sẽ ưu đãi để nhiều người dân có thể được sử dụng.
Theo quyết định phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký, 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19 đầu tiên gồm:
- Nhân viên y tế
- Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...)
- Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh
- Lực lượng công an
- Lực lượng quân đội
- Người trên 65 tuổi
- Giáo viên
- Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, du lịch, điện, nước...
- Người mắc các bệnh mạn tính
- Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài
- Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ
Vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca được đồng phát minh bởi Đại học Oxford (Anh) và công ty sản xuất hỗ trợ Vaccitech. Vaccine sử dụng vector virus mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2.
Sau khi tiêm vaccine, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm sau đó. Công bố trên tạp chí The Lancet khẳng định rằng vaccine của AstraZeneca được dung nạp tốt và không có biến cố bất lợi nghiêm trọng nào được xác nhận liên quan vaccine.
Đối tượng tham gia nghiên cứu đa dạng về vùng địa lý và chủng tộc, khỏe mạnh hoặc có tình trạng bệnh lý nền ổn định.
HP (Nguoiduatin.vn)