Câu chuyện về những em bé, phụ nữ, người già… nhọc nhằn mưu sinh với giỏ hàng rong từ sáng sớm tới tận đêm khuya bị những người “chăn dắt” đánh đập không còn mới. Nhiều người dân sinh sống ở nơi các em thường xuyên bán hàng còn quen mặt với cả những người chuyên “chăn dắt”. Những trận đòn roi hay những cái bạt tai, cái tát bằng dép vào các bé cũng đã được nhiều người phát hiện, nhưng rồi lại tái diễn.
Để tìm hiểu về thế lực đứng sau “chăn dắt” những người bán hàng rong, chúng tôi đã tiếp cận một số người già đi bán hàng rong. Trao đổi với PV, bà N. cho biết, vì thường xuyên gặp mặt và trò chuyện cùng với những người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em cùng cảnh đi bán hàng rong nên bà N. biết những người này đi làm thuê cho các đối tượng chính là thành phần bất hảo trong xã hội.
Bà N. nói về các thế lực ngầm "chăn dắt" người bán hàng rong. |
Cũng theo bà N. tiết lộ, các đối tượng này thường tiếp cận những người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ lang thang xuống Hà Nội kiếm sống để dụ dỗ. Ban đầu, chúng sẽ tỏ ra quan tâm như tìm nơi ăn, chốn ngủ cho họ và sẵn sàng trả tiền chi phí cho những khoản đó.
Vài ngày sau, chúng sẽ đưa ra số tiền nợ lớn buộc những người lang thang này phải trả. Đương nhiên, với những người đã phải lang thang đi kiếm sống thì số tiền đó với họ là vô cùng lớn và không có khả năng chi trả. Đến thời điểm này, các đối tượng sẽ đưa ra yêu cầu họ đi bán hàng rong thuê để trả nợ dần.
Đi tìm con mồi để sống “kí sinh”
Qua tìm hiểu, PV còn được biết, ngoài việc dụ dỗ những người lang thang, nhiều đối tượng còn về tận nơi để đưa ra lời mời chào thuê đi bán hàng. Đối tượng mà chúng tiếp cận chủ yếu là trẻ em, người khuyết tật ở các tỉnh thuộc vùng núi, cách xa Hà Nội. Công việc mà chúng nói là xuống Hà Nội bán hàng ở cửa hàng tạp hóa, quán ăn đông khách…, kèm theo đó là những lời hứa "có cánh" như: không cần phải mang theo tiền bạc gì cả, chỉ cần quần áo, còn đến nơi chỗ ăn ở sẽ được lo tươm tất.
Đương nhiên, với những người ở hoàn cảnh khó khăn thì họ nhẹ dạ cả tin và đi theo vì tự nhiên có công việc ổn định, thu nhập khá giúp gia đình. Khi đã đưa được những người này rời xa quê, bằng phương thức giúp đỡ ban đầu, chúng dễ dàng ép họ làm theo ý của mình.
Mỗi người bán hàng rong được các đối tượng “chăn dắt” này trả khoảng 2-3 triệu một tháng. Tuy nhiên, có những hoàn cảnh bị chúng gò ép vì một lí do như nợ tiền trước đó, nợ tiền nhà ở nên chỉ được nuôi ăn.
Người bán hàng rong là con mồi để những kẻ xấu sống "kí sinh". |
Bắt đầu từ đó, những người được thuê hàng ngày phải đi làm liên tục từ sáng sớm cho đến khoảng 12h đêm mới được về nhà. Không chỉ đi làm vất vả dưới thời tiết oi bức hay mưa bão mà những người này luôn phải nằm trong sự kiểm soát, theo dõi của thế lực “chăn dắt”.
Mỗi ngày đi bán hàng về, các nạn nhân bị “chăn dắt” đều bị các đối tượng cầm đầu lục lọi tiền và kiểm tra lại số sản phẩm đã giao cho đi bán lúc sáng sớm. Nếu phát hiện có giấu hiệu cất riêng tiền hoặc ăn gian về số lượng hàng đã bán sẽ bị chúng đánh đập, không cho ăn, hoặc hôm sau sẽ giao cho bán số tiền nhiều hơn.
Khu vực hoạt động của những đối tượng này là nơi tập trung đông người, như các tuyến phố du lịch (khu phố cổ Hà Nội), các hàng quán ăn nhậu. Vào những buổi sáng, họ được các đối tượng "chăn dắt" chuyển đến những địa điểm như Ngã Tư Sở, khu hồ Chùa Láng…Những nạn nhân phải lang thang quanh hồ, vào từng quán, đến từng bàn nài nỉ khách mua.
Sự xuất hiện của họ khiến nhiều người tỏ ra khó chịu, thậm chí “ghẻ lạnh”. Không ai thèm để ý đến họ, có lẽ ai cũng nghĩ, họ chỉ là công cụ kiếm tiền của những kẻ chăn dắt.
Người bán hàng rong phải tận dụng mọi chiêu trò để khách mua hàng. |
Đến gần 11h tối, khi các hàng quán khách đã vãn, những người bán hàng bắt đầu tụ tập về một chỗ ngồi xếp lại tiền, kiểm kê số hàng còn lại. Một lúc sau, có hai xe máy chạy đến chở những người này phóng đi rất nhanh.
Đa số những người được đón đều là người già và trẻ nhỏ, còn một số phụ nữ khỏe mạnh thì tự bắt xe buýt về khu trọ ở xóm Bòng, gần BV Phụ Sản và một số ở xóm trọ Giáp Nhất (Nhân Chính, Hà Nội) hoặc xóm trọ ở ngoại thành Hà Nội như ven sông Hồng từ lúc chập choạng tối.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đồng chí Minh - Phó trưởng công an quận Đống Đa cho biết: "Hiện tại ở các phường trên địa chưa có báo cáo về tình trạng này. Lực lượng công an ở quận cũng thường xuyên phối hợp với công an phường đi kiểm tra hoạt động bán hàng ở các vỉa hè trong địa bàn quận. Trước những phản ánh của PV về tình trạng trên, ông Minh cũng cho biết sẽ có chỉ đạo để tăng cường việc quản lý an ninh trên địa bàn chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, vấn đề tương tối khó là, nếu cứ thấy người bán hàng rong mà đưa về trụ sở để kiểm tra thì khó có thể thực hiện được. Bởi chắc chắn sẽ có cả một ổ nhóm nhưng thường tập kết trọ lại với nhau ở một khu vực không thuộc địa bàn quận.
Vì thế, trong quá trình trinh sát ở địa bàn mà phát hiện thấy ổ nhóm, lực lượng chức năng sẽ có những biện pháp nghiệp vụ để điều tra. Bên công an cũng sẵn sàng phối hợp cùng phóng viên khi phát hiện ra những ổ nhóm có dấu hiệu “chăn dắt” trẻ em, người già, người khuyết tật".
Theo Nguyên Mạnh - Đào Sơn (Nguoiduatin.vn)