Linh nghiệm "bùa yêu" hay chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên?

28/08/2015 20:03:37

Những câu chuyện về "bùa ngải" đặc biệt là "bùa yêu" chẳng còn xa lạ gì đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Từ xa xưa cho đến nay nó vẫn được coi là những điều bí ẩn, là một trong những nét văn hóa của đồng bào miền núi.

Những câu chuyện về "bùa ngải" đặc biệt là "bùa yêu" chẳng còn xa lạ gì đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Từ xa xưa cho đến nay nó vẫn được coi là những điều bí ẩn, là một trong những nét văn hóa của đồng bào miền núi. Xã hội ngày càng phát triển, thứ "bùa yêu" đầy bí ẩn này dần dần được "hạ sơn".
Đã có biết bao câu chuyện dở khóc dở cười mà "bùa yêu" mang lại. Chưa có một chứng lý khoa học nào giải thích được sự hiệu quả của "bùa yêu" nhưng một điều chắc chắn rằng, những người tìm đến nó chỉ là một sự bế tắc, cần sự giải thoát về tâm lý.

Ban tình yêu theo ý muốn?

Để tìm hiểu thực hư về sự đặc biệt của "bùa yêu", chúng tôi quyết định tìm đến dòng họ người dân tộc Cao Lan lừng lẫy xứ Tuyên. Ở thôn Song Lĩnh (xã Lưỡng Vượng, TP Tuyên Quang) dòng họ của ông Hoàng Tiến Đồng bao đời nay được biết đến là "dòng họ có khả năng ban tình yêu theo ý muốn".

Không như những gì chúng tôi kỳ vọng ban đầu, mới vào đến đầu bản người dân đã tặc lưỡi bĩu môi với chúng tôi rằng: "Vớ vẩn hết, hiệu quả chẳng biết được bao nhiêu phần trăm nhưng cứ nhạt thuốc là lại chửi nhau như kẻ thù. Cũng có người được người không được. Người được thì họ bảo do thành tâm, còn người không được thì bảo là do bề trên không thuận. Chẳng biết thiên hạ đồn thế nào chứ dân ở đây chẳng mấy ai tin".

Những tưởng với danh tiếng của mình, nhà ông Đồng lúc nào cũng phải tấp nập người qua kẻ lại. Thế nhưng ngôi nhà sàn có tuổi đời hàng trăm năm nằm chon von, lặng lẽ bên sườn đồi của thôn Song Lĩnh không một bóng người ngoài mấy con gà con lợn nhởn nhơ. Hỏi ra mới biết thầy bùa Đồng đã qua đời mấy năm nay, tất thảy những bí kíp được truyền lại cho người con thứ ba là anh Hoàng Tiến Khương.
 

Cuốn sách cổ được truyền từ nhiều đời.

Thấy khách đến nhà, bà Phạm Thị Cát (vợ ông Đồng) đon đả, mừng ra mặt: "Làm bùa hả? Từ đâu tới đây thế? Ông nhà tôi mất rồi, giờ truyền lại hết cho thằng Khương". Với gia đình, dòng họ này có được bí kíp làm bùa yêu là cả niềm tự hào. Chính vì vậy, khi biết chúng tôi tìm hiểu về thứ bùa đặc biệt, bà Cát chẳng chút ngại ngần nhắn người gọi anh Khương sang tiếp chuyện.

Hiện anh Khương được cha mình truyền lại cho cả chục cuốn sách cổ quý hiếm về cách làm duyên, hay còn gọi là làm "bùa yêu". Theo tiếng Cao Lan, "bùa yêu" còn được gọi là "pháp linh lợi", được du nhập từ Trung Quốc. Nhà có 6 anh em trai nhưng anh Khương là người được lựa chọn làm truyền nhân cho dòng họ. Anh bảo: "Đọc được những cuốn sách này đã khó nhưng hiểu được lại càng khó khăn hơn. Người được chọn làm truyền nhân không những là người thông thái mà phải là người có căn duyên với pháp".

Chúng tôi tỏ ra nghi ngờ về sự tồn tại của "bùa yêu" và những hiệu quả như người đời đồn đại, anh Khương cười nói: "Sự thực đến đời tôi là đời thứ sáu làm "bùa yêu" rồi. Đã làm bùa yêu là cưới. Không nói đâu xa, trong bản này cũng có cả chục cặp được tôi làm duyên và họ đều sống với nhau êm ấm, hạnh phúc. Còn ở xa như Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, có cả người ở thành phố Hồ Chí Minh cũng tới".

Sau nhiều câu chuyện, chúng tôi được anh Khương khá tin tưởng và cho xem những cuốn sách làm duyên. Sách được làm bằng loại giấy dó khá đẹp, bên cạnh những trang viết chữ nho là những hình vẽ khó hiểu.

Những người nhờ cậy đến dòng họ này thường là những người đàn ông hiếm vợ, gái muộn chồng muốn tìm cho mình ý trung nhân. Nhưng đông nhất vẫn là những cặp vợ chồng "cơm chẳng lành, canh không ngọt", hạnh phúc gia đình có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.

"Chúng tôi có một quy tắc mà mọi người phải tuân thủ nghiêm ngặt là sau khi yểm bùa, mọi chuyện phải tuyệt đối bí mật. Lễ vật để làm bùa cũng chỉ là đôi nhẫn bạc, một nhúm muối, hoa quả. Nếu thành duyên được với nhau họ phải trả lễ lại cho ông mối một con gà trống thiến, một cái đùi lợn, 12 cái bánh giầy (mỗi cái nặng nửa cân có nhân đỗ xanh) và một con gà mái tơ. Tiền cảm tạ thì ít nhiều không quan trọng, nhưng phải là con số 4: 40 nghìn đồng, 400 nghìn đồng, 4 triệu đồng…", anh Khương chia sẻ.

Điều đặc biệt các "đệ tử" phải mang bằng được quần áo của "đối tượng" tới để làm phép. Khi làm phép phải chọn giờ đẹp, thường chỉ kéo dài hơn 1 tiếng. Nếu như chân thành với "đối tượng" thì phần làm phép nhanh hơn, còn không có thể kéo dài vài tiếng đồng hồ. Các đệ tử sau khi được làm phép sẽ lẳng lặng ra về rồi làm theo chỉ dẫn mà không bao giờ được nói ra nửa lời với người bên ngoài. Tuy nhiên, theo tiết lộ của bà Cát, những người lấy bùa thỉnh thoảng lại phải đến lấy nếu không một thời gian tự khắc mất đi, hai người thấy nhau là ghét ra mặt.

"Không có bùa nào bằng tình cảm chân thật"

Danh tiếng của dòng họ có khả năng "ban tình yêu" không chỉ lan rộng khắp vùng mà sang cả những tỉnh khác. Từ những người trong thôn, ngoài xóm còn có cả những người từ Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội… thậm chí cả các tỉnh phía Nam cũng tìm đến nhờ cậy. Để tìm hiểu ngọn ngành về hiệu quả của thuật bùa ngải này, chúng tôi đã tìm đến những người từng được anh Khương và cha mình giúp. Thực tế cũng đã có nhiều cặp trai gái mến nhau mà được làm phép để người kia yêu mình, hoặc nhiều cặp vợ chồng dù đã chia tay nhau nhưng quay lại sau khi được yểm bùa. "Bùa yêu" thực sự có hiệu nghiệm hay đấy chỉ là liệu pháp tâm lý?
 

Dù nhà có tới 6 anh em nhưng chỉ anh Khương (áo trắng) được lựa chọn làm truyền nhân.


Anh Khương khoe: "Có trường hợp hai vợ chồng vừa lấy nhau chưa đầy năm. Vậy mà anh chồng bỏ vợ đi theo bồ tối ngày. Chị vợ đến gặp tôi khóc lóc, xin làm "bùa yêu". Khoảng 1 tháng sau thì chị vợ quay lại cảm ơn nói là chồng đã bỏ hẳn bồ quay về với mình". Anh Khương kể thêm: "Cách đây vài tháng có một cô gái trẻ từ Hà Nội lên đây nhờ tôi làm bùa cho. Cô ấy nói mình và người yêu gắn bó với nhau được 7 năm, thế nhưng khi nói đến chuyện hôn nhân thì bị người đàn ông kia chối đây đẩy, viện đủ lý do để từ chối. Tôi đồng ý làm bùa cho cô ấy. Mới hôm rồi cô ấy gọi điện lên khoe với tôi hai người họ đã cưới nhau rồi".
 
Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp họ từng được ông Đồng giúp đỡ nhưng chỉ một thời gian ngắn, vợ chồng vẫn chịu cảnh ly tán. Như chuyện của anh Lê Văn Minh (Việt Trì, Phú Thọ) khiến người ta phải hoài nghi về phép thuật của "bùa yêu". Anh Minh lấy vợ được 2 năm, chẳng hiểu vì lý do gì người vợ lại thường xuyên bỏ nhà đi theo một người đàn ông mãi tận Vĩnh Phúc.
 

Hình ảnh ông Đồng ngày còn sống.


Đem chuyện kể cho mẹ vợ những mong bà khuyên bảo con gái, nhưng vợ anh vẫn không thay đổi. Anh đành tìm đến "bùa yêu" với hy vọng cuối cùng để cứu vãn gia đình. Quả thật, chỉ khoảng 2 ngày sau khi được anh Khương làm phép, người vợ mới cưới "bỗng dưng" trở về nhà. Nhưng họ chỉ sống hòa thuận với nhau được ít ngày sau đó lại lục đục, đánh chửi nhau, thậm chí người vợ lại bỏ nhà ra đi. Anh Khương tâm sự: "Đúng là câu chuyện như vậy, người vợ dù được tôi làm bùa cho về nhưng vẫn rất bất kham. Chỉ một thời gian là người chồng lại lên đây nhờ tôi làm phép mới được yên ổn".
 
Dứt lời anh Khương tiếp: "Nói thật yêu nhau thật vẫn là cách tốt và bền vững nhất trong hôn nhân, hạnh phúc. Trong cuộc sống vợ chồng, trai gái ai cũng có những khó khăn, mâu thuẫn, nếu cả hai vượt qua giai đoạn khó khăn thì đó mới chính là thứ "bùa" thật sự". Chính anh Khương, người được mệnh danh là "cao thủ bùa yêu" của xứ Tuyên cũng phải thừa nhận rằng, anh không dám chắc thứ "bùa yêu" mà mình làm ra có thật sự linh nghiệm hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
 
Bà Trần Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Lượng Vượng, thành phố Tuyên Quang cũng không thể khẳng định "nhà bùa" Khương và dòng họ này có khả năng đặc biệt hay không. Tuy nhiên theo bà Lan, người Cao Lan là dân tộc có nhiều nghi thức tâm linh và bùa độc đáo cần được nghiêm túc quan tâm và nghiên cứu của các nhà văn hóa. Thực sự đó là một nét văn hóa rất đặc biệt của người Cao Lan.
 
>> Bùa yêu và chuyện chàng thanh niên lấy vợ hơn 40 tuổi
>> Sự thật về những trò bỏ bùa, chuốc ngải lan truyền trên mạng
 
Theo Phong Anh (Cảnh Sát Toàn Cầu)

Nổi bật