Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, hàng loạt sự số y khoa đã xảy ra khiến dư luận lo lắng. Điều đáng chú ý là phản ứng từ các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Y tế với những sự cố này có phần chưa thấu đáo, chưa rõ được nguyên nhân và trách nhiệm cá nhân.
Hôm qua (18.7), vụ hàng chục bé trai mắc bệnh sùi mào gà vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Đồng thời, vụ mũi tiêm khiến cô giáo ở Hà Giang bị liệt nửa người cũng đã có kết luận là… chưa có kết luận cuối cùng.
Thiếu trách nhiệm hay là “sự cố đáng tiếc”
Một sự thật đáng báo động về tình trạng thiếu trách nhiệm của các tuyến y tế địa phương với hàng loạt các tai nạn y khoa gây xôn xao, dư luận hết sức bức xúc. Mới đây nhất, vụ việc hàng chục bé trai mắc bệnh sùi mào gà (thống kê chưa đầy đủ, theo phản ánh của người dân, con số có thể lên đến cả trăm trường hợp) đang khiến cả vùng quê Khoái Châu, Hưng Yên vốn yên bình nay sôi sùng sục, người dân đứng ngồi không yên. Đây liệu có thể coi là sự cố y khoa hay do tắc trách về quản lý?
Ngày 18.7, phóng viên Báo Lao Động tận mắt chứng kiến người dân vây kín cổng nhà một y sĩ đa khoa được cấp chứng chỉ để đòi đối chất về tình trạng sùi mào gà đau đớn của con họ sau khi đến nong, cắt bao quy đầu tại nhà bà Hoàng Thị Hiền (Dạ Trạch - Khoái Châu - Hưng Yên). Có trường hợp mất gần 100 triệu mà con vẫn chưa dứt được bệnh, có bé đang nằm ở nhà sốt cao, quấy khóc vì đau đớn, hàng loạt bé đang nằm tại BV Da liễu T.Ư điều trị.
Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cho biết, cơ sở khám chữa bệnh của bà Hiền không có giấy phép hoạt động, không biển hiệu,... và y sĩ Hiền “chối bay chối biến” trước những bằng chứng thuyết phục từ ghi âm, ghi hình của người dân về hành vi sai quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm trọng của bà.
Vụ 8 người tử vong do chạy thận ở Hòa Bình vẫn còn khiến dư luận chưa hết bàng hoàng. Nguyên nhân của vụ việc cũng được kết luận là do nhiễm độc nguồn nước trong quá trình sục rửa hệ thống lọc RO của máy lọc thận. Bác sĩ Hoàng Công Lương đã được tại ngoại để phục vụ cho công tác điều tra. Thế nhưng, dư luận vẫn chưa hết bức xúc khi những người lẽ ra phải “đứng mũi chịu sào” trong vụ việc này dường như lại chưa phải chịu trách nhiệm gì.
Câu hỏi: Hợp đồng lắp đặt, sửa chữa hệ thống nước lọc chạy thận được ký như thế nào? Ai đồng ý thông qua những bản hợp đồng đó? Tại sao quy trình của một kỹ thuật quan trọng và nguy hiểm như thế lại dễ dàng có nhiều kẽ hở đến như vậy?..., vẫn còn đang khiến dư luận băn khoăn.
Vụ cô giáo ở Hà Giang bị liệt nửa người sau khi tiêm được báo Lao Động phản ánh đã làm “nóng mặt” một số bác sĩ. Họ phải đăng đàn “thanh minh” ngay cho nhân viên y tế rằng, cách tiêm và thuốc tiêm không thể gây liệt.
Đến ngày 14.7, Hội đồng chuyên môn đã có những kết luận bước đầu, thuốc tiêm và cách tiêm mông như vậy không thể làm cô giáo bị liệt. Bệnh viện Bạch Mai thành lập Hội đồng chuyên môn với đầy đủ các chuyên gia hàng đầu về ngành thần kinh vào cuộc nhưng vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân thuyết phục.
Người dân vây kín cổng nhà y sĩ Hiền đòi đối chất sáng 18.7. Ảnh: T.Linh |
Trách nhiệm quản lý của ngành Y tế
Những vụ việc trên cứ “mập mờ” chưa rõ nguyên nhân nhưng sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận y bác sĩ hiện nay, sự buông lỏng quản lý của một số đơn vị cấp quản lý trong ngành y tế là điều không thể phủ nhận được.
Trước những vụ việc trên, Bộ Y tế đều kịp thời đưa ra những công văn gửi đến các địa phương yêu cầu phải khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin báo chí phản ánh. Đồng thời Bộ Y tế cũng xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Đó là công văn “mẫu” hời hợt, cùng một kiểu nội dung, mang tính chất “làm cho có” mà sau khi vụ việc nào xảy ra cũng có ngay. Nhưng xét đến cùng, dường như, Bộ Y tế chưa thực sự sâu sát, chưa đi đến tận cùng sự việc để thể hiện trách nhiệm của đơn vị đứng đầu ngành y khi xử lý những tai biến, những sự cố y khoa.
Trao đổi với PV về trách nhiệm của cơ quan chức năng trước những “sự cố” y khoa, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho rằng: “Nếu để xảy ra những sự việc đáng tiếc, trước hết, về mặt chuyên môn, Giám đốc Sở Y tế phải chịu trách nhiệm, rồi ở địa phương đó là cơ quan quản lý nhà nước ở các huyện, các tỉnh rồi chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý hành chính”.
Khi được hỏi về trách nhiệm của Bộ Y tế trước những tai biến y khoa, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế là cơ quan quản lý về mặt chuyên môn, trách nhiệm của Bộ Y tế là ban hành những quy định, những hướng dẫn về mặt chuyên môn để các đơn vị thực hiện. Bộ Y tế không chỉ ra công văn yêu cầu các đơn vị xử lý vụ việc mà Bộ Y tế cần có động thái quyết liệt, rõ ràng hơn trong từng vụ việc.
Điểm lại các sự cố y khoa nổi bật gần đây: Vụ chạy thận 8 người tử vong tại Hòa Bình Ngày 29.5, sự cố y khoa tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong quá trình chạy lọc thận 8/18 bệnh nhân đã tử vong. Đến ngày 8.6, đại diện Sở Y tế Hòa Bình đã họp báo chính thức công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn đưa ra kết luận: Nguồn nước RO lọc thận bất thường, bệnh nhân ngộ độc cấp. Sau vụ việc, 3 đối tượng bị khởi tố, trong đó có một bác sĩ tại bệnh viện. Cô giáo bị liệt vì một mũi tiêm Ngày 23.6, cô giáo Hồ Thị Thảo (SN 1982) trú tại Làng Cúng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang bị mất dần vận động rồi liệt nửa người sau một mũi tiêm sau khi bị tiêm tại Bệnh viện Đa khoa Hà Giang. Ngày 18.7, bệnh viện Bạch Mai công bố kết luận: Người bệnh liệt mềm 2 chi dưới hoàn toàn không phải do tiêm thuốc Nefopam 20mg vào mông tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Nguyên nhân cụ thể vẫn chưa xác định được. Vụ đòi tiền phơi nhiễm HIV Ngày 1.7, một thanh niên phản ánh về việc tham gia cứu nạn tại một vụ tai nạn giao thông ở Kontum có nguy cơ phơi nhiễm HIV nhưng sau đó họ phải trả tiền mới được sử dụng thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV). Bộ Y tế sau đó phải ra thông báo khẳng định cả những người bị phơi nhiễm HIV trong khi cứu người bị tai nạn giao thông ở Kom Tum đã được điều trị bằng thuốc ARV miễn phí hoàn toàn. Đồng thời yêu cầu trả lại tiền xét nghiệm. Vụ bệnh nhân tử vong sau khi thay khớp háng Ngày 13.7, theo thông tin từ Bộ Y tế, Bộ đã nhận được báo cáo của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) về trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng (SN 1938, trú tại TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) tử vong sau một ngày thay khớp háng tại BV này. Theo phân tích của chuyên gia nhồi máu phổi được cho là nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong và là “sự cố y khoa đáng tiếc”. Gần 40 trẻ bị sùi mào gà Trong 2 tháng (1.5-13.7), bệnh viện Da liễu Trung ương đã khám và điều trị cho 52 bệnh nhi (dưới 15 tuổi) bị sùi mào gà, trong đó có tới 46 trường hợp sinh sống tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Theo tìm hiểu của Lao Động: Người chủ của phòng khám làm thủ thuật cắt bao quy đầu cho gần 40 em ở Hưng Yên là một y sĩ tại phòng khám sơ sài, không biển hiệu, không giấy phép, nhưng vẫn ngang nhiên hành nghề nhiều năm nay. A.L Trong 2 tháng (1.5-13.7), bệnh viện Da liễu Trung ương đã khám và điều trị cho 52 bệnh nhi (dưới 15 tuổi) bị sùi mào gà, trong đó có tới 46 trường hợp sinh sống tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Theo tìm hiểu của Lao Động: Người chủ của phòng khám làm thủ thuật cắt bao quy đầu cho gần 40 em ở Hưng Yên là một y sĩ tại phòng khám sơ sài, không biển hiệu, không giấy phép, nhưng vẫn ngang nhiên hành nghề nhiều năm nay. A.L |
Theo Thùy Linh (Lao Động)