![]() |
Nhà thơ Cù Huy Cận tại Hội thảo ở Huế năm 2000. Ảnh: Tiến sĩ Sử học Phan Thanh Hải cung cấp. |
Nhưng một sự kiện đặc biệt khác ở bên lề hội hội thảo đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Đó là việc nhà thơ Cù Huy Cận, vị khách mời danh dự, theo gợi ý của Ban tổ chức, đã mời tất cả đại biểu cùng ông lên tầng 2 của lầu Ngũ Phụng - Ngọ Môn để ôn lại câu chuyện cách đó 55 năm - sự kiện hoàng đế Bảo Đại thoái vị và trao ấn kiếm cho đại diện của chính phủ cách mạng lâm thời.
![]() |
Lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn) nơi diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại chiều 30/8/1945. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ngọ Môn là cổng chính của Hoàng thành Huế, đây là cổng thành to lớn và đẹp nhất của kinh đô Huế do hoàng đế Minh Mạng cho xây dựng từ năm 1833. Ngọ Môn cũng là nơi tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ đăng quang (lễ lên ngôi), lễ truyền lô (xướng danh tân tiến sĩ), lễ đón mừng năm mới, lễ đón tiếp sứ thần các nước lân bang…
Ngày 30/8/1945, một cuộc mít tinh và biểu dương lực lượng của hàng trăm nghìn người thuộc các tầng lớp xã hội do chính quyền cách mạng tổ chức tại quảng trường Ngọ Môn đã tạo nên khí thế vô cùng sôi động chưa từng có ở Huế.
Ngay tại tầng 2 của lầu Ngũ Phụng, phái đoàn đại diện của chính quyền cách mạng gồm các ông Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận đã thực hiện nghi thức nhận ấn, kiếm từ chính quyền vua Bảo Đại. Theo nhà thơ Cù Huy Cận, chiếc ấn vàng của triều Nguyễn rất nặng nên ai cũng bất ngờ khi nâng nó (đây là ấn Hoàng Đế Chi Bảo, đúc năm Minh Mạng thứ 4 - 1823, trọng lượng hơn 282 lượng vàng, tức gần 11 kg). Còn chiếc kiếm chuôi nạm ngọc, nằm trong vỏ bằng bạc mạ vàng khi ông thử rút ra thì thấy lưỡi thép đã có những vết hoen gỉ.
![]() |
Ấn Hoàng Đế Chi Bảo vua Bảo Đại trao lại tại lễ thoái vị chiều 30/8/1945. Ảnh: Tiến sĩ Sử học Phan Thanh Hải cung cấp. |
Chính vì vậy sau lễ thoái vị, phái đoàn của chính quyền cách mạng đã cho chuyển gần 3.000 món bảo vật quý giá (bao gồm ấn tín bằng vàng bạc, ngọc ngà, những cổ vật quý giá, những tặng phẩm ngoại giao…) ra miền Bắc. Trải qua bao năm chiến tranh với vô vàn khó khăn gian khổ, nhưng số bảo vật này vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Hiện nay, số cổ vật quý giá này đã được bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia để bảo quản, trưng bày nhằm phục vụ đông đảo nhân dân.
Theo Phan Thanh Hải (VnExpress.net)