Trao đổi với PV, ông Trần Quốc Chiêm – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, việc miễn phí hay không đã được quy định rất rõ.
“Chúng tôi vẫn giảm giá, miễn phí cho những người dưới 15 tuổi, người già từ 60 tuổi trở lên, người khuyết tật như quy định” – ông Chiêm nói.
Theo ông Chiêm, xuân Mậu Tuất năm 2018, Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa tại 30 quận (huyện) thị xã. Điểm mới năm nay là giao rõ người, rõ việc, rõ đầu mối để tổ chức công tác bắn pháo hoa. Phía Sở phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật trước thời điểm bắn pháo hoa để phục vụ người dân và du khách thăm quan, kinh phí chi cho hoạt động bắn pháo hoa được lấy từ nguồn xã hội hóa.
Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao như bơi chải, vật truyền thống, lễ hội âm thanh và ánh sáng đường phố, triển lãm ảnh, chiếu phim đều được ban tổ chức chú trọng chuẩn bị để mang lại cho người dân những sản phẩm hoàn thiện, hoạt động ý nghĩa.
Cũng tại buổi họp này, thông tin về kế hoạch tổ chức Lễ hội – Du lịch Chùa Hương năm 2018, ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết, ban tổ chức sẽ cố gắng hết sức để có một mùa lễ hội an toàn, đẹp và hài lòng cho du khách.
Bên cạnh công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trước một số thông tin lo ngại về việc ép giá du khách khi đi đò hoặc tham quan, Trưởng Ban tổ chức Nguyễn Văn Hậu cho biết, sẽ huy động lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ vấn đề này.
“Việc ép giá vẫn có, nhưng rất cá biệt. Để xử lý việc này, từ năm ngoái chúng tôi đã thành lập tổ liên ngành để xử lý. Cùng với đó, lực lượng công an sẽ tuần tra, kiểm tra gắt gao hơn. Dù sao thấy bóng dáng của công an, người ta muốn ép cũng không được” – ông Hậu nói.
Cũng theo thông tin từ vị Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, tất cả 2 bên bờ suối các nhà hàng dịch vụ đều có biển hiệu, tên, số điện thoại của cửa hàng. Số điện thoại đường dây nóng là trực tiếp của ông và một đồng chí khác.
“Khi nhận được phản ánh có tiêu cực, chúng tôi sẽ can thiệp xử lý. Nếu có người bị hại, bị ép giá thì xử lý hình sự, chúng tôi đã xử lý rồi. Chúng tôi có số điện thoại tất cả các gia đình sống ở mặt đường” – Trưởng Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương khẳng định.
Về giá dịch vụ tại lễ hội, ông Hậu cho biết giá không có sự thay đổi. Cụ thể vé tham quan thắng cảnh là 80 nghìn; dịch vụ đò 50 nghìn; vé gửi xe 9 chỗ trở xuống ban ngày là 40 nghìn, đêm 60; xe ô tô từ 10 chỗ trở lên ngày là 50 nghìn, đêm 75 nghìn. Với xe máy, giá trông coi vẫn là 2 nghìn vào ban ngày và 5 nghìn vào ban đêm.
Trước thông tin có nhiều người nhà lái đò đón khách từ xa, cách lễ hội cả vài chục km, ông Hậu cho biết, hiện tượng này là một hiện tượng không đẹp, xảy ra vào những ngày vắng khách, lái đò đi mời ở xa về để có công ăn việc làm, kiểu dịch vụ trọn gói.
Vấn đề này công an thành phố đã chỉ đạo công an các quận, huyện trên hướng đường về vị trí tổ chức lễ hội phối hợp xử lý.
Với lễ hội Đền Sóc năm 2018, ông Lê Hữu Mạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn khẳng định, huyện này sẽ có nhiều cải tiến để tránh các việc làm, hình ảnh phản cảm.
Cụ thể, dư luận băn khoăn về việc rước hoa tre bị các thanh niên đứng ra cướp lộc khiến khung cảnh trở nên hỗn loạn, phản cảm, có biện pháp gì bảo đảm việc vẫn rước hoa tre mà không bị cướp, ông Mạnh cho biết việc này phía ban tổ chức đã thực hiện từ năm 2017.
“Năm 2017 đã làm rồi. Chúng tôi đã huy động lực lượng 300 công an, thanh niên tình nguyện bảo vệ đoàn rước. Năm nay quyết tâm thay đổi cách thức thực hiện. Vẫn đưa đoàn rước lên đền Thượng làm lễ, sau đó các thôn làng vẫn tổ chức mang lễ vật xuống đền Hạ, đền Mẫu tạ lễ nhưng số lượng bao nhiêu do chúng tôi quyết định” – ông Mạnh nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cũng khẳng định, việc cướp để có lộc là không có. Một số thanh niên thậm chí tấn công đoàn rước để cướp lộc là phản văn hóa.
Theo Bách Thuận (Dân Việt)