Phòng CSGT (PC67) Công an TP Hà Nội vừa có sáng kiến về việc gắn thiết bị đo nồng độ cồn trong các ô tô vận tải hành khách.
Theo đó, các ô tô kinh doanh vận tải hành khách ngoài việc gắn thiết bị giám sát hành trình còn phải được gắn máy đo nồng độ cồn ngay trong xe. Trước khi xe nổ máy, tài xế phải kiểm tra nồng độ cồn qua thiết bị này và kết quả kiểm tra được kết nối với trung tâm để quản lý tài xế. Khi hệ thống phát hiện tài xế sử dụng rượu bia, vi phạm nồng độ cồn thì trung tâm quản lý xe sẽ can thiệp để phương tiện không thể khởi động được.
Theo PC67 Hà Nội, đây là một trong những sáng kiến, đề xuất của đơn vị gửi Công an TP Hà Nội nghiên cứu để gửi các bộ, ngành liên quan nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và hạn chế tình trạng người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Ngoài sáng kiến gắn thiết bị đo nồng độ cồn trên xe, PC67 Hà Nội cũng sẽ kiến nghị xây dựng hệ thống điểm đối với các tài xế. Theo đó, tài xế khi được cấp giấy phép lái xe sẽ có 10 điểm trong tài khoản, trong quá trình hoạt động nếu vi phạm luật giao thông sẽ bị trừ dần và khi hết điểm, tài xế buộc phải thi lại như lần đầu tiên đi thi.
CSGT TP Hà Nội đề xuất lắp máy đo nồng độ cồn trên các ô tô vận chuyển hành khách. Ảnh: TUYẾN PHAN |
Ngay sau khi công bố, sáng kiến nói trên của PC67 Hà Nội đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Bên cạnh việc ủng hộ, một số ý kiến cũng cho rằng đây là một đề xuất có tính tính cực nhưng sẽ khó thực hiện, nhất là trong thời điểm hiện tại.
Tích cực nhưng không khả thi
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, khẳng định đề xuất gắn máy đo nồng độ cồn trên xe vận tải hành khách là rất khó khả khi.
“Trước tiên, chúng tôi hoan nghênh đề xuất này của cơ quan chức năng vì nó mang tính tích cực, giúp nâng cao trách nhiệm của người lái xe, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Thế nhưng dưới góc độ doanh nghiệp, tôi chưa ủng hộ đề xuất này” - ông Liên nói.
Theo ông Liên, phương tiện ô tô là sở hữu cá nhân, các trang thiết bị kèm theo đều đã quy định trong Luật Giao thông đường bộ, nếu đưa thêm vào thì có nghĩa phải sửa luật. Hơn thế, hiện nay luật chưa quy định phải lắp đặt máy đo nồng độ cồn nên không thể buộc doanh nghiệp thực hiện.
“Đã là sở hữu cá nhân thì phải được chủ sở hữu đồng ý, dù bất cứ là từ nguồn kinh phí nào. Mặc dù bản chất đề xuất là có lợi cho người dân, doanh nghiệp nhưng không thể áp đặt được mà chỉ nên khuyến khích” - ông Liên cho hay.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, một số quốc gia trên thế giới áp dụng được đề xuất này bởi đây là các nước tiên tiến, có thu nhập cao, trách nhiệm của người dân cũng rất cao. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế-xã hội, trình độ kỹ thuật như Việt Nam hiện nay, đề xuất này là chưa phù hợp và khó thực hiện.
Một vấn đề khác mà ông Liên đặt ra, đó là nguồn kinh phí cho lắp đặt máy đo nồng độ cồn. Với quá trình đầu tư ban đầu, duy trì và bảo trì, kinh phí sẽ rất lớn. Việc này sẽ tạo một áp lực rất lớn cho các doah nghiệp kinh doanh vận tải, bởi hiện nay họ đã chịu rất nhiều loại phí (đường bộ, BOT, ra-vào bến…). Điều đó cũng đồng nghĩa giá vận tải hành khách sẽ tăng và hành khách cũng là người chịu ảnh hưởng trực tiếp.
“Nên khuyến khích tăng mạnh các chế tài xử phạt. Ví dụ, mức phạt nồng độ cồn như hiện nay đã rất cao, nếu thực hiện nghiêm túc điều đó hoàn toàn có thể giảm thiểu tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe” - ông Liên chia sẻ.
Theo PC67 Hà Nội, đề xuất này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Ảnh:TUYẾN PHAN |
Khó kiểm soát việc tài xế uống rượu bia
Nói với Pháp Luật TP.HCM, một chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn Hà Nội cho rằng đề xuất của PC67 Hà Nội về bản chất là tốt, nếu thực hiện được thì chắc chắn sẽ góp phần giảm tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe. Tuy nhiên, có hai vấn đề đặt ra khi đưa đề xuất này vào thực tiễn cần phải giải quyết rõ ràng.
Thứ nhất, về kinh phí, để thực hiện được đề xuất này nguồn kinh phí sẽ rất lớn. Vậy doanh nghiệp phải chịu hay Nhà nước sẽ hỗ trợ, nếu là doanh nghiệp sẽ rất khó để chấp thuận. Bởi việc quản lý, kiểm soát nồng độ cồn là thuộc trách nhiệm của lực lượng CSGT, không thể yêu cầu doanh nghiệp bỏ kinh phí để thực hiện việc này.
Thứ hai, đối với loại hình vận tải hành khách, trên xe ngoài tài xế sẽ còn nhiều người khác, việc xác định tài xế có sử dụng rượu bia hay không cũng sẽ rất khó.
“Nếu làm thì phải làm đến nơi đến chốn, hoặc sẽ phát huy hiệu quả rất tốt hoặc sẽ thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và hành khách” - vị này nói.
Tương tự, khi được phỏng vấn về đề xuất này của PC67 Hà Nội, đa số các ý kiến đều có một băn khoăn chung, đó là làm thế nào để xác định tài xế là người sử dụng rượu bia khi lái xe?
“Nếu bác tài nhờ hành khách hoặc một người khác thổi vào máy đo, đương nhiên sẽ không vi phạm. Như vậy, vừa uống rượu lại vừa khởi động được máy, làm sao để kiểm soát việc này?” - một người dân đặt câu hỏi.
Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TPHCM)