Lập khu nhạy cảm, sẽ đồng tình nếu hiệu quả

30/10/2015 21:30:56

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc quy hoạch khu dịch vụ nhạy cảm mới là đề xuất mang tính hội thảo, cần nghiên cứu thêm. Tuy vậy, nếu có đánh giá rõ ràng, khả thi và mang lại hiệu quả sẽ đồng tình.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc quy hoạch khu dịch vụ nhạy cảm mới là đề xuất mang tính hội thảo, cần nghiên cứu thêm. Tuy vậy, nếu có đánh giá rõ ràng, khả thi và mang lại hiệu quả sẽ đồng tình.
 
Trước đề xuất thí điểm quy hoạch khu kinh doanh nhạy cảm (như karaoke, massage, tẩm quất…), Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Đây mới là một suy nghĩ cần nghiên cứu, vì nếu khoanh các dịch vụ nhạy cảm lại thành khu, liệu những khu vực khác có phát sinh thêm?
 
Ngoài ra, cũng cần đảm bảo các dịch vụ tiện lợi với nhu cầu người dân, vì không phải dịch vụ nhạy cảm nào cũng có tệ nạn mại dâm. “Ý kiến đó (lập khu nhạy cảm- PV) mới mang tính hội thảo để bàn luận. Nếu có đánh giá rõ ràng, khả thi, hiệu quả chúng tôi sẽ nghiên cứu và đồng tình. Nhưng tới lúc này chưa nói được đó là cách làm hay để áp dụng”, ông Đàm nói.
 
Về việc không ít đại biểu Quốc hội đồng tình với lập “phố đèn đỏ”, thậm chí thừa nhận mại dâm là một nghề để quản lý, bảo vệ người hành nghề; ông Đàm cho hay, chưa thể nói thừa nhận hay không. Theo ông, phải căn cứ theo truyền thống, đạo lý, chuẩn mực, giá trị xã hội đã được cha ông xây dựng.
 
Điều gì không chấp nhận được về mặt xã hội phải đấu tranh, không thể học theo các nước khác coi đó là một nghề hay công việc hợp pháp để ứng xử. “Với Việt Nam, không biết những năm sau này thế nào, còn trước mắt, tôi chưa thuận”, ông Đàm nói. Ông Đàm cũng cho biết, do chưa xem mại dâm là một nghề, nên bộ chưa bao giờ có nghiên cứu hay quy hoạch về mại dâm.
 
Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm (giai đoạn 2011-2015), Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho biết: Hoạt động mại dâm không chỉ ở Việt Nam, các nước trên thế giới đều có; không chỉ ngày nay, đã có từ xa xưa.
 
“Chúng ta cũng không hy vọng triệt để chống được mại dâm. Vì vậy, ta phải thừa nhận đây là một hoạt động xã hội hết sức phức tạp, làm băng hoại đạo đức, truyền thống; người Việt vốn không chấp nhận hoạt động mại dâm. Do đó, hoạt động phòng, chống mại dâm phải triển khai hiệu quả hơn”, bà Chuyền nói.
 
Theo bà Chuyền, hoạt động phòng, chống mại dâm thời gian qua khó vì chưa phân rõ trách nhiệm các cơ quan chức năng. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền, đặc biệt phân công trách nhiệm tới cấp xã/phường. Ngoài ra, giai đoạn 2016-2020, sẽ đề xuất xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm.
 
Kiến nghị gom dịch vụ “nhạy cảm” vào một chỗ đã được ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM (Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM) nêu lên trong Hội nghị giao ban về công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện trong 8 tháng đầu năm 2015 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức trong tháng 8 tại TPHCM.               
 
>> Đề xuất lập khu dịch vụ nhạy cảm tại một số tỉnh
>> "Phố nhạy cảm" khác phố mại dâm thế nào?
 
Theo Văn Minh (Tiền Phong)

Nổi bật