Những bình gas được đặt tạm trên yên xe
18h chiều một ngày giữa tháng 8, phố Lê Duẩn (đoạn cổng công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng) trở nên đông đúc bởi các phương tiện tham gia giao thông. Đây là thời điểm sau giờ hành chính nên ai nấy điều khiển phương tiện cá nhân đều rất vội vã. Trong dòng người ken đặc đường phố, một nam thanh niên vừa lạng lách điều khiển xe máy vừa giữ bình gas ở yên sau xe, khiến nhiều người đi đường một phen hốt hoảng.
Tai bình gas có in nhãn hiệu "Hồng hà gas", phần thân bình có dán thông tin: "Cửa hàng gas Hoà Phượng, thôn 1, Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội" kèm nhiều số điện thoại liên hệ. Trong quá trình vận chuyển bình gas di chuyển trên phố đông đúc, tài xế này không sử dụng các công cụ kỹ thuật hỗ trợ như giá đỡ bình gas, dây buộc bình gas. Bình gas được tài xế này đặt ngang yên xe, trong quá trình theo dõi của PV cho thấy, khi di chuyển qua các điểm sóc, ổ gà, bình gas rung chuyển khỏi vị trí yên xe. Hình ảnh này đã khiến không ít người "lạnh gáy".
Tương tự, tại phố Hoàng Ngân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), khi lượng phương tiện lưu thông trên đường dần chật chội thì một người đàn ông chở gas cũng khiến nhiều người đi đường giật thót tim khi điều khiển chiếc xe máy chở 3 bình gas và không đội mũ bảo hiểm. Tem dán trên các thân bình gas đều chứa thông tin: "Hanoi Petro – Công ty TNHH đầu tư Dầu khí Hà Nội", kèm cảnh báo: "Khí cực kỳ dễ cháy".
Từ thời điểm cuối tháng 7 và tháng 8/2019, PV Báo Gia đình & Xã hội đã ghi nhận nhiều trường hợp tài xế không đội mũ bảo hiểm và chở gas không có công cụ hỗ trợ, lưu thông trên phố đông đúc. Có lẽ, hình ảnh những chiếc xe máy chở bình gas không có công cụ hỗ trợ, không có dây buộc bình gas từ lâu đã là nỗi ám ảnh và đã không còn xa lạ với người tham gia giao thông. Người đi đường chứng kiến cũng không ngần ngại ví những chiếc xe chở gas thiếu "chuẩn" này như những "quả bom" di động, có nguy cơ gây nổ bất cứ lúc nào khi tham gia giao thông.
Bày tỏ với PV, bà Lê Thị Ánh (49 tuổi, ở Nguyễn Khang, Cầu Giấy) thẳng thắn: "Gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, khi đã là có điều kiện thì trong công tác vận chuyển, kinh doanh cũng hết sức nghiêm ngặt, doanh nghiệp kinh doanh gas phải có quy chuẩn khi vận chuyển gas, chứ chứng kiến những bình gas còn nguyên niêm phong mà lại không được đặt vào kệ đỡ hàng, thậm chí thanh niên chở gas còn ung dung sử dụng điện thoại di động và không đội mũ bảo hiểm thì quá coi thường tính mạng người đi đường?".
Tương tự, ông Nguyễn Văn Minh (56 tuổi, trú tại khu dân cư Đoàn Kết, phường Nhân Chính, Thanh Xuân) nói: "Gas và xăng cực kỳ dễ cháy. Nếu là bình gas mới, vỏ bình còn đạt tiêu chuẩn chất lượng để sử dụng thì không sao, nhưng nếu vỏ bình không đảm bảo chất lượng, đã "cắt tai mài vỏ" thì khi chẳng mấy xảy ra sự cố, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho người đi đường? Với những cách vận chuyển gas lẻ trên phố thì đơn vị cung cấp gas lấy cơ sở nào để khẳng định các khâu đưa gas đến tay người tiêu dùng đảm bảo các quy định cơ bản? Kể cả khi xảy ra vấn đề cháy nổ có nguyên nhân từ gas thì đơn vị cung cấp gas có chịu trách nhiệm cho khách hàng của mình hay không? Trên thực tế có rất nhiều vụ cháy có nguyên nhân từ nổ bình gas, hoặc do bình gas bị va đập. Việc vận chuyển gas bằng các phương tiện thô sơ không đúng quy định thì đúng là mối nguy hại cho người đi đường, trước hết là bản thân người chở gas".
Chở gas thiếu chuẩn đang là hiện tượng
Trong buổi làm việc với PV, ông Đoàn Trọng Thà, đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam thẳng thắn: "Những hình ảnh mà ta thấy rất nhiều trên phố về người chở gas không sử dụng công cụ hỗ trợ bình gas là sai hoàn toàn về mặt kỹ thuật và tiêu chuẩn vận chuyển gas. Có thể nói, gas là một mặt hàng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của người dân từ thành phố đến nông thôn. Tuy nhiên, việc chở gas thiếu chuẩn hiện nay đang trở thành hiện tượng, bởi cứ ra đường gặp người chở gas bằng phương tiện xe máy là có thể thấy người vận chuyển bình gas trên xe rất sơ sài. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm của không chỉ chuyên gia, người trong ngành mà cả xã hội, bởi tính nguy hiểm của gas".
Cũng theo ông Đoàn Trọng Thà, một bình gas chỉ được phép nạp một lượng gas chứa không quá 85% dung tích bình, còn lại 15% dung tích bình là buồng chứa hơi gas (còn gọi là áp suất gas). Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 6223:1996) về an toàn gas đã quy định, mỗi một xe máy chỉ được vận chuyển duy nhất một bình gas. Khi vận chuyển, bình gas phải được xếp dựng đứng (không được nằm ngang) trên khung sắt hỗ trợ vận chuyển, bình gas được gia cố chắc chắn bằng cây chằng. Nếu cố tình để bình gas nằm ngang khi vận chuyển thì buồng chứa hơi (áp suất) không còn nằm ở vị trí van đóng mở của bình, khi đó, nếu không may gặp hiện tượng van bị xì gas trong quá trình vận chuyển do đường xóc hoặc va chạm mạnh sẽ khiến gas thoát ra không gian bên ngoài. Nếu chẳng may gặp nhiệt độ lớn hoặc nguồn lửa như tàn thuốc lá thì hậu quả rất khôn lường. Đặc biệt là với người đi đường và các hộ gia đình sinh sống xung quanh.
Ông Đoàn Trọng Thà nhấn mạnh: "Về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong vận chuyển khí gas này, các đơn vị sản xuất, kinh doanh gas đều phải tuyên truyền, áp quy định cho các nhân viên chở gas, cũng như giới hạn về số lượng bình gas được phép chở mỗi chuyến".
Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)