Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng nói gì vụ nhận quà tặng ô tô 3,7 tỷ đồng?

11/10/2019 10:54:07

Một vụ việc gây chú ý ở Cao Bằng là trường hợp nhận quà tặng ô tô trị giá 3,72 tỷ đồng trái quy định. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, Cao Bằng sẽ trả lời chính thức về việc này.

Báo cáo Bí thư xem xét

Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất Báo cáo Công tác Phòng, chống tham nhũng năm 2019 trình Chính phủ để gửi tới kỳ họp Quốc hội tới.

Liên quan đến việc thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng, Thanh tra Chính phủ cho biết: Vấn đề này tiếp tục được Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là trong dịp lễ, tết. Đã có 9 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 4,172 tỷ đồng.

Trong đó có 2 trường hợp nhận quà tặng không đúng quy định: TP HCM có 1 trường hợp 150 triệu đồng và Cao Bằng 1 trường hợp là ô tô trị giá 3,720 tỷ đồng.

Liên quan đến việc nhận ô tô trái quy định, chiều 10/10, trả lời phóng viên qua điện thoại, một phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: Sau khi báo chí thông tin, tỉnh Cao Bằng đã xin báo cáo của Thanh tra Chính phủ, nhưng tìm mãi mà không thấy nội dung này.

“Không rõ tít các báo lấy từ đâu, chúng tôi đang đi tìm xem nguyên nhân từ đâu. Tỉnh vừa xin được báo cáo của Thanh tra Chính phủ gửi Quốc hội thì không có nội dung này”, lãnh đạo tỉnh cho hay.

Sau khi phóng viên “chỉ” thông tin nằm ở phần “nộp lại quà tặng” trong báo cáo, vị này cho biết, tỉnh sẽ có thông báo trả lời chính thức về việc này.

“Việc này không vấn đề gì đâu, tỉnh đã xử lý hết rồi, Thanh tra chuyên ngành xử lý hết rồi và sẽ có thông tin chính thức… Sự việc đúng hay không tôi cũng không biết, chỉ nghe chung chung thế thôi.

Còn số tiền 3,7 tỷ đồng (ô tô giá 3,7 tỷ đồng - PV) bao nhiêu năm nay rồi. Việc này Chủ tịch tỉnh đang chỉ đạo, sẽ báo cáo Bí thư (Bí thư Tỉnh ủy - PV) xem xét lại và sẽ có thông tin trả lời rõ ràng”, vị phó chủ tịch UBND tỉnh nói.

Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng nói gì vụ nhận quà tặng ô tô 3,7 tỷ đồng?
Hai chiếc ô tô tại Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau được doanh nghiệp tặng gây tranh cãi trước đây. Ảnh: IT

Liên quan đến các giải pháp kiểm soát việc tặng quà, nhận quà, phòng ngừa việc lợi dụng truyền thống tốt đẹp để tham nhũng, đưa hối lộ, Chính phủ đã rà soát, ban hành quy định mới về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng, quy định người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng.

“Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo đúng quy định.

Người vi phạm quy định về nhận, tặng quà thì bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước”, Thanh tra Chính phủ nêu.

Cơ quan này cũng cho biết, số người kê khai tài sản, thu nhập trong năm qua là 1.081.235 người (đạt tỷ lệ 99,9%). Trong đó có 46 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập.

Qua xác minh phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước), đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp.

Về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết: năm 2019, có 62 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 3 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu và còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng.

Tỷ lệ thu hồi tài sản thấp

Theo Thanh tra Chính phủ, trong thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều vụ việc sai phạm rất nghiêm trọng liên quan đến tham nhũng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu.

Đồng thời, các cơ quan Nhà nước đã kỷ luật tương xứng với kỷ luật của Đảng đối với cán bộ, công chức sai phạm, đảm bảo kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng và kỷ luật theo pháp luật của Nhà nước.

Trên thực tế, có nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, khởi tố, điều tra: Vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) cùng đồng phạm về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...; vụ án Lê Nam Trà cùng đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa, nhận hối lộ, xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG); vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út trọc), Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc Phòng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hường đổi với người khác để trục lợi...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án đạt tỷ lệ chưa cao.

Đáng lưu ý trong số 37 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết tháng 6/2019, cơ quan Thi hành án dân sự các cấp đã thi hành xong 9.454 tỷ đồng/68.856 tỷ đồng, con số này chỉ đạt tỷ lệ 13,73% trên tổng số phải thu.

Bên cạnh đó, tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn xảy ra ở nhiều nơi chưa được ngăn chặn hiệu quả, có vụ việc xảy ra ngay trong lực lượng chống tham nhũng, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Thành Nam (Tiền Phong)